Khắc phục những hạn chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân

- Thứ Năm, 07/10/2021, 20:53 - Chia sẻ
Chiều 7.10, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND), Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đã họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban soạn thảo.
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp

Dự thảo Nghị quyết có bố cục gồm 8 Chương, 52 Điều, quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; hoạt động chất vấn của HĐND và chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu HĐND; xem xét việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát; các điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thống nhất. Nghị quyết ra đời cũng sẽ góp phần hướng dẫn cụ thể các quy trình thực hiện chức năng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đồng thời, hạn chế việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành văn bản cá biệt để trả lời từng địa phương. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, tính toán phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Toàn cảnh cuộc họp

Các ý kiến cũng nhấn mạnh yêu cầu việc xây dựng Nghị quyết phải bảo đảm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND.

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, chưa được như kỳ vọng, mục đích đặt ra. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Kết quả hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp, tập trung phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này để đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng lưu ý, khi xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết cần thường xuyên rà soát các văn bản luật có liên quan để đảm bảo không vượt, không trái, không chồng chéo, trên tinh thần những gì đã được quy định trong Luật thì không quy định vào Nghị quyết; Nghị quyết chỉ hướng dẫn rõ hơn những gì Luật chưa quy định rõ. Đồng thời giao Ban soạn thảo rà soát, tiếp thu tất các các ý kiến góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính khả thi cao trong thực tiễn. 

Hồ Long