Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Khắc phục tình trạng "ăn đong"

- Thứ Ba, 15/06/2021, 08:08 - Chia sẻ
Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 tại phiên họp sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải siết chặt kỷ cương, kiên quyết không bổ sung dự án luật không có trong chương trình hoặc chưa bảo đảm chất lượng. Đồng thời, phải khắc phục tình trạng "ăn đong", có dự án luật nào thì đưa vào chương trình dự án luật đó.

Sửa luật để đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn

Để đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, cũng như bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2021, 2022 một số dự án luật so với dự kiến ban đầu. Cụ thể là dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…

Tán thành với những đề nghị của Chính phủ, nhưng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không khỏi băn khoăn về tính hợp lý của thời điểm trình dự án luật và khả năng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Lấy ví dụ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung của dự luật này không phức tạp nhưng cũng còn khá nhiều vấn đề cần được tháo gỡ để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, không để "khoảng trống" trong bộ chỉ tiêu thống kê. 

Về đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng băn khoăn khi chưa thấy "bóng dáng" của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong dự kiến Chương trình lập pháp năm 2022. Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đẩy sớm việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Đi công tác, làm việc với các địa phương đều phản ánh các vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai. Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để tháo gỡ các mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật nhưng có những vấn đề cốt lõi phải được sửa đổi trong Luật Đất đai. Với những lý do này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ phải làm rõ hơn về việc có kịp để trình Luật Đất đai (sửa đổi) hay không?

Trong lĩnh vực xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Dân số (sửa đổi) đã được kết luận khi nào đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội nhưng cũng đang "vắng mặt" trong đề nghị Chương trình năm 2022. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cũng nhận thấy, để ngăn chặn dịch bệnh Covid - 19 thời gian qua, chúng ta đã áp dụng một số biện pháp vượt quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành. Đây cũng là vấn đề cần xem xét sửa đổi luật nhưng tại đề nghị Chương trình năm 2022, Chính phủ cũng chưa đưa đặt vấn đề sửa đổi Luật này.

Để ứng phó với dịch bệnh Covid - 19, thời gian qua chúng ta đã ban hành một số chính sách mới, chưa có tiền lệ nhưng khi thực hiện có vướng mắc do không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Với thực tế này, theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Chính phủ cần rà soát những văn bản luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, kinh tế để sớm trình Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung; rà soát các Luật Khám, chữa bệnh  (do đang áp dụng một số hình thức khám, chữa bệnh mới như khám bệnh từ xa, khám tại nhà, khám chữa bệnh online, quản lý sức khỏe qua phần mềm…), Luật Dược (liên quan đến sản xuất và lưu hành vaccine sản xuất trong nước) hay Luật Đấu thầu… 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Hồ Long 

Siết chặt kỷ cương xây dựng luật

Một yêu cầu quan trọng phải tính đến khi lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý là thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa những quy định của Hiến pháp. Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đang xây dựng Đề án xác định định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV để thực hiện nhiệm vụ này. “Chúng ta đã tính đến chuyện này chưa hay vẫn đang kiểu bây giờ có cái gì thì làm cái đấy, hoặc trình được cái gì thì làm cái đấy?". Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tinh thần lập pháp phải chủ động hơn, Quốc hội cần thực hiện vai trò dẫn dắt, tiến hành giao nhiệm vụ, không thực hiện theo kiểu "đến hẹn lại lên", các cơ quan trình dự án luật nào thì làm cái đó.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phải tránh lạm dụng việc sử dụng nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi luật. Bởi, dù cũng có giá trị pháp lý như một đạo luật nhưng Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định những vấn đề mà pháp luật chưa quy định, hoặc cho phép thực hiện một số hoạt động không trái với quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó, cần hạn chế việc dùng một luật để sửa đổi nhiều luật liên quan; chỉ xem xét ban hành luật này khi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và có sự thống nhất, đồng thuận cao của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quy trình xây dựng pháp luật phải thực hiện ngay từ bây giờ, nhất là đối với cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, trong đó lưu ý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này. 

Do thời gian để thực hiện đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 không còn nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sớm hoàn chỉnh các dự án luật thuộc chương trình Kỳ họp thứ Nhất và Kỳ họp thứ Hai để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ đề ra. 

Từ nay đến cuối năm 2021, Chính phủ, các cơ quan hữu quan về cơ bản không đề xuất bổ sung thêm dự án vào chương trình năm 2021, dành thời gian để giải quyết các công việc cấp bách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không xem xét những dự án không có trong chương trình. Chính phủ cũng cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội về những vấn đề như: việc kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu nhưng đã quá hạn... Đồng thời, cần rà soát các luật, pháp lệnh có những vướng mắc để sửa đổi, bổ sung đưa vào chương trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập trong điều kiện mới.

Thanh Hải