Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Khắc phục tình trạng nợ tiêu chí

- Thứ Hai, 02/08/2021, 06:00 - Chia sẻ
Thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị, địa phương cần tập trung cho các xã và 6 huyện còn lại, không để tình trạng nợ tiêu chí. Bên cạnh đó, các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng NTM, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, huyện phấn đấu hoàn thành huyện NTM năm 2021 và 2022.

Đó là nội dung Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 04) nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban quý II.2021 vừa qua.

Thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung dồn lực cho các huyện chưa về đích nông thôn mới
Ảnh: H.M

Huy động gần 11.465 tỷ đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, bằng nhiều nỗ lực, việc thực hiện Chương trình 04 vẫn đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, thành phố đã có 12/18 huyện, thị đạt chuẩn NTM. Trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã NTM nâng cao. Trong 6 huyện chưa về đích, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; huyện Chương Mỹ cũng đã đủ điều kiện để hoàn thiện thủ tục trình Hội đồng Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn. Ngoài ra, 2 huyện Mê Linh và Ứng Hòa đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố xem xét; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích năm 2022.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) thành phố, tính đến hết quý II.2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM của thành phố đạt 11.464,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 43,07%. Nguồn lực triển khai Chương trình vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội chưa nhiều; nhiều tiêu chí đã đạt chuẩn NTM thiếu bền vững như: Hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, an ninh trật tự, môi trường, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, nhất là chế biến sâu…

Giám đốc Sở NN - PTNT Chu Phú Mỹ nêu rõ, ngoài do quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh, manh mún gây khó cho quá trình hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung... công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số địa phương, đơn vị thiếu năng động, sáng tạo. Một số tiêu chí xây dựng NTM còn bị coi nhẹ như: An ninh trật tự, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm.... Nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức hết những tác động của tiêu chí đối với việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Ưu tiên hỗ trợ các địa phương khó khăn

Trước những hạn chế đã chỉ ra, thời gian tới, UBND thành phố sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị; tập trung triển khai thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng NTM năm 2021, phấn đấu đến hết năm có thêm 4 huyện, 14 xã đạt chuẩn; 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với các huyện Ba Vì và Mỹ Đức, để hoàn thành 12 xã đạt chuẩn NTM trước tháng 9.2021, sẽ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí và xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí cơ bản đạt, tiêu chí chưa đạt bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đồng thời, thành phố sẽ định kỳ kiểm tra tiến độ thực hiện tại các đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà: Mặc dù không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng việc nợ các tiêu chí trong xây dựng NTM như: Cơ sở vật chất giáo dục, nhà văn hóa, chợ… đang rất phổ biến. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh đề nghị, thành phố bố trí vốn để hoàn thành xây dựng các nhà văn hóa thôn, làng, đáp ứng tiêu chí xã NTM theo các mức độ...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 nhấn mạnh: Thời gian tới, cùng với nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị, địa phương cần tập trung cho các xã và 6 huyện còn lại để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, không để nợ tiêu chí. Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình 04 bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng đô thị. Các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện xây dựng NTM, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, huyện phấn đấu hoàn thành huyện NTM năm 2021 và năm 2022.

Đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cần tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; nghiên cứu xây dựng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại; thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn, đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề có thế mạnh phát triển kết hợp du lịch nông thôn…

_____________

"Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội"

BẢO TRÂM