Nhịp cầu

Khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 08:34 - Chia sẻ
Những năm gần đây, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang xuất hiện ở nhiều địa phương. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 5.000ha đất đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển chung của ngành nông nghiệp. Nhiều cơ chế, chính sách đã được triển khai để động viên người dân canh tác trên các thửa đất bị bỏ hoang, tuy nhiên tình trạng này vẫn ít được cải thiện.

Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, toàn huyện hiện có trên 8.300ha đất nông nghiệp. Một vài năm gần đây, tình trạng người dân bỏ ruộng diễn ra tại nhiều xã, nhất là ở những khu vực nằm sát các khu đô thị, vùng trũng. Diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang đã lên tới 217ha. Bên cạnh việc canh tác của người dân gặp khó khăn do ô nhiễm môi trường, chuột cắn phá, ngập úng… còn do điều kiện canh tác manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, hệ thống thủy lợi còn hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, người dân không mặn mà với đồng ruộng.

Tại huyện Ứng Hòa, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Phi Thường cho biết, huyện hiện có 13.000ha đất nông nghiệp, nhưng vụ mùa năm 2019 có đến 700ha đất ruộng bị bỏ hoang. Mặc dù hướng đi của Ứng Hòa là phát triển thủy sản đang mang lại nguồn lợi lớn, tuy nhiên, những diện tích đất lúa kém hiệu quả muốn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hay trồng cây ăn quả thì vẫn vướng quy định về giao đất lúa… dẫn đến tình trạng người dân bỏ ruộng hoang. Tương tự, vụ mùa năm 2020, huyện Quốc Oai xây dựng kế hoạch gieo trồng trên tổng diện tích 4.500ha, nhưng thực tế, các xã, thị trấn chỉ gieo trồng được hơn 3.500ha, chuyển đổi hơn 650ha sang trồng các loại cây khác, còn hơn 300ha bỏ hoang. Ở huyện Thạch Thất, kế hoạch vụ xuân năm 2020 gieo cấy trên diện tích 3848,3ha, nhưng có hơn 100ha không được gieo cấy. Riêng xã Phú Kim được giao kế hoạch cấy trên tổng diện tích 210ha, nhưng người dân bỏ cấy hơn 30ha…

Trao đổi với một số người dân địa phương được biết, lí do khiến họ không thiết tha với đồng ruộng là do nguồn thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Một số gia đình có nghề phụ, như: Mộc, đan lát, may mặc, thủ công mỹ nghệ… hầu như không còn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Chưa kể, nhiều lao động ở độ tuổi thanh niên, trung niên đi làm tại các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn thành phố có mức thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng trở lên, cao gấp nhiều lần so với canh tác trên đất nông nghiệp.

Đại diện Sở NN - PTNT Hà Nội cho biết, Sở đã đề xuất với UBND thành phố xây dựng lộ trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang sang trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi thủy sản... Đối với những diện tích nhỏ, xen kẹt, khó đầu tư hạ tầng tưới tiêu sẽ được xem xét chuyển mục đích sử dụng sang làm đất đấu giá, đất dự án khác. Qua đó, vừa giúp giảm diện tích đất bỏ hoang, vừa khai thác tối đa thế mạnh, nguồn lực từ đất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững. Trước mắt, các đơn vị, địa phương cần chủ động triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân có động lực phát triển sản xuất trên đất nông nghiệp.

Đào Cảnh