Pháp luật về công nghiệp môi trường

Khắc phục tình trạng "xé lẻ" trong quản lý

- Thứ Năm, 31/12/2020, 08:00 - Chia sẻ
Cần sử dụng thống nhất một định nghĩa về ngành công nghiệp môi trường, làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, pháp luật minh bạch, ổn định về lĩnh vực này, khắc phục tình trạng "xé lẻ" trong quản lý nhà nước để thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường phát triển trong thời gian tới. Đây là đề xuất được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học "Pháp luật công nghiệp môi trường ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp" vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Nhiều đầu mối quản lý dễ triệt tiêu sự phát triển

Theo thống kê, doanh thu của công nghiệp môi trường thế giới mỗi năm đạt 3 - 4 nghìn tỷ USD. Các nước chi trung bình 3 - 5 % GDP cho môi trường. Gần đây, Việt Nam đang nói nhiều đến nền kinh tế tuần hoàn. Nhưng ít ai biết, chiếm hơn một nửa giá trị nền kinh tế tuần hoàn là công nghiệp môi trường. Toàn bộ đầu ra chất thải của nền kinh tế là do công nghiệp môi trường đảm nhiệm. Công nghiệp môi trường hiện diện khắp nơi trong sản xuất và sinh hoạt của người dân, đóng góp lớn cho bảo vệ môi trường và đang tạo ra nền kinh tế thứ hai. Vì thế sự phát triển ngành công nghiệp môi trường có tầm quan trọng to lớn và ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, ở nước ta, ngành công nghiệp môi trường hiện vẫn mới ở giai đoạn đầu và đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó, có những thách thức nằm ngay trong hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước. 

	Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp và Môi trường Việt Nam (VIEA) Lê Minh Đức phát biểu tại hội thảo Ảnh: Hồ Long
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp và Môi trường Việt Nam (VIEA) Lê Minh Đức phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Theo khái niệm mang tính phổ quát về công nghiệp môi trường trên thế giới, ngành công nghiệp môi trường đi liền với 3 trụ cột, gồm: dịch vụ môi trường (xử lý nước, chất thải rắn, không khí và khác); sản xuất thiết bị/công nghệ/nguyên liệu/hóa chất phục vụ công tác bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên (công nghiệp tái chế, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn và phát triển các môi trường đặc thù…). Tuy vậy, TS. Lê Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp và Môi trường Việt Nam (VIEA) cho biết, hệ thống văn bản pháp luật nước ta lại đang xé lẻ và chia tách ngành công nghiệp môi trường thành các mảng khác nhau do nhiều đầu mối quản lý. Ông dẫn chứng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, dịch vụ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý còn sản xuất thiết bị công nghệ và sản phẩm môi trường do Bộ Công thương quản lý. 

"Sẽ khó khăn cho cả 2 Bộ khi tới đây xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường, 2 Bộ cùng làm hay chờ nhau. Cụ thể như đối với các nhà máy đốt rác phát điện, Bộ Công thương chỉ dừng lại ở việc phát triển công nghệ/thiết bị, vậy đầu ra là đâu, ai đặt hàng, chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển, công suất thì thế nào?" Trong khi đó, nhà máy đốt rác phát điện là thực thể công nghiệp và cũng là ngành dịch vụ, cung cấp dịch vụ xử lý chất thải hay gọi cách khác là ngành công nghiệp dịch vụ. Việc quy định tách hoạt động sản xuất thiết bị ra khỏi dịch vụ là 2 hoạt động cùng một thực thể công nghiệp môi trường giao cho 2 Bộ quản lý với 2 chính sách khác nhau, theo ông Lê Minh Đức, có thể triệt tiêu sự phát triển của ngành và gây khó cho doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Tổng thư ký VIEA, thị trường ngành công nghiệp môi trường rất lớn, sản phẩm giao dịch lên đến cả nghìn tỷ USD nhưng không phải tới từ một nguồn duy nhất. Ngành công nghiệp môi trường có thể tự sản xuất một phần thiết bị song chủ yếu mua ngoài hoặc đặt hàng sản xuất như nhà máy đốt rác phát điện không thể tự sản xuất lò đốt mà mua ngoài hoặc đặt gia công từ ngành cơ khí. Nhờ đó, công nghệ hoàn thiện cuối cùng có thể do công nghiệp môi trường sở hữu, được lắp ráp từ nhiều nguồn và chuyển giao cùng một gói.

Từ thực tế này, VIEA cho rằng, không nên xé lẻ và chia cắt ngành công nghệ môi trường. Chính phủ cần xem xét/cân nhắc nếu thấy Bộ nào thuận lợi hơn cho việc quản lý ngành thì giao một đầu mối quản lý để tránh phân tán. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện phát triển ngành tốt hơn, bảo đảm sự toàn vẹn và thống nhất của ngành công nghiệp môi trường vì lợi ích quốc gia.

Sớm ban hành nghị định phát triển công nghiệp môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười đã định nghĩa công nghiệp môi trường là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Từ những bất cập liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về ngành công nghiệp môi trường, tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị, cần sử dụng thống nhất một định nghĩa về ngành công nghiệp môi trường trong các văn bản pháp luật về ngành công nghiệp môi trường; chỉ rõ trong luật các nội hàm của ngành công nghiệp môi trường, các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp môi trường để làm cơ sở phân công và quản lý phát triển ngành.

Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp môi trường. Trong đó, cần sớm ban hành nghị định phát triển ngành công nghiệp môi trường, định vị vị trí và vai trò về mặt pháp lý của ngành công nghiệp này và xác định các vấn đề cốt lõi như: định hướng phát triển, các hướng phát triển ưu tiên, các mặt hàng/sản phẩm/ dịch vụ ưu tiên, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ, thị trường ngành công nghiệp môi trường trước mắt và lâu dài, phát triển doanh nghiệp, các cơ chế/ chính sách hỗ trợ...

Cùng với đó, cần xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp môi trường, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường, Hệ thống thống kê công nghiệp môi trường làm cơ sở để có các chính sách đầu tư và thúc đẩy ngành phát triển, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

Hồ Long