Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cà Mau

- Thứ Tư, 28/10/2020, 00:26 - Chia sẻ
Ngày 27.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cà Mau nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chính thức khai mạc.

Cao Bằng tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. 

Cùng dự có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến… và đại diện các ban, bộ, ngành.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lại Xuân Môn nhấn mạnh: 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, năng động, sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch. Đảng bộ tỉnh cũng đã nhận diện, xác định đúng 5 lợi thế chính, 3 điểm "nghẽn", "nút thắt" và 3 đột phá để tập trung thực hiện có hiệu quả.

Theo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội, Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân hơn 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 55,68%; thu NSNN đạt hơn 9.200 tỷ đồng… Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia…

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, phát huy sức mạnh, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của tỉnh…

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Cao Bằng tập trung thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc; Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu; phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế 333km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, những mặt còn hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó xác định rõ chủ trương, giải pháp khả thi đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới; nhận diện, xác định rõ những tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của tỉnh…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị, Cao Bằng cần tập trung khai thác thế mạnh, lợi thế, quảng bá các danh thắng, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, phấn đấu đưa du lịch Cao Bằng trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Quan tâm phát triển kinh tế rừng, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Xây dựng Cà Mau phát triển nhanh, bền vững

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu tỉnh Cà Mau lần thứ XVI.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội khẳng định, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Có 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt, mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đạt. Thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về nuôi tôm, với sản lượng hơn 2,7 triệu tấn; kinh tế biển phát triển mạnh. Trong sản xuất công nghiệp, nhiều dự án lớn đã và đang được đầu tư, đặc biệt là cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau.

Đại hội đã tập trung thảo luận về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát được Đại hội xác định là: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy đoàn kết, dân chủ, đồng thuận trong nhân dân, tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh. Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững”.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt 9 nhiệm vụ giải pháp trên từng lĩnh vực, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.

Trong đó, Đảng bộ tỉnh Cà Mau phải luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch để khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Cà Mau. Tăng cường liên kết vùng, kết nối với các tỉnh trong khu vực và thành phố Hồ Chí Minh; gắn phát triển tỉnh Cà Mau trong tổng thể phát triển vùng và trong vai trò một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nhất là bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung giảm nghèo theo hướng bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Chủ động nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bắc Kạn cần chọn nông lâm nghiệp là lĩnh vực đột phá

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những thành tích Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đạt được trong nhiệm kỳ qua. Trong 55 chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bắc Kạn đã đạt và vượt 40 chỉ tiêu. Tỉnh thực hiện tốt công tác trồng rừng và là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tỷ lệ đảng viên chiếm hơn 10% dân số. Tuy nhiên, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh còn đạt thấp.

Bắc Kạn có những lợi thế lớn về tài nguyên rừng, bình quân mỗi người dân có hơn 1,5ha đất và đất rừng, trong khi tiềm năng về thị trường tiêu thụ nông lâm sản, nhất là sản phẩm gỗ và rau, củ, quả còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này hiệu quả nhất? Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Đại hội tập trung thảo luận, nghiên cứu để làm rõ mô hình kinh tế nào là chủ đạo của tỉnh trong thời gian tới. Hiện tại kinh tế hợp tác xã của tỉnh còn ít, chủ yếu là kinh tế hộ cá thể. Do đó, cần có quyết tâm chính trị đưa các hộ kinh tế cá thể phát triển lên thành các hợp tác xã, coi đây là cuộc cách mạng tại chỗ.

Để làm được điều đó, Bắc Kạn cần khắc phục khó khăn về nhận thức, tăng cường tham khảo, học tập kinh nghiệm các nơi; tăng số lượng hợp tác xã gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các hợp tác xã đoàn kết, liên kết chặt chẽ. Tỉnh xác định trong lĩnh vực kinh tế cần chọn nông lâm nghiệp là lĩnh vực đột phá.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bắc Kạn tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử cách mạng gắn với an toàn khu Chợ Đồn. Trong công tác xây dựng Đảng, cần hết sức lưu tâm lắng nghe người dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội. Bắc Kạn nên chọn 1.000 đảng viên tiêu biểu ở các địa phương đưa đi học tập để quay về làm hạt nhân xây dựng các hợp tác xã ở địa phương, bởi khi các hợp tác xã mạnh thì các chính sách của tỉnh mới đi vào cuộc sống hiệu quả nhất.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội nêu rõ, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, kinh tế của Bắc Kạn duy trì đà tăng trưởng khá; nông, lâm nghiệp chuyển dần sang sản xuất hàng hóa; trồng mới hơn 32 nghìn ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6%. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 11,3 tiêu chí; có 130 sản phẩm được công nhận và cấp sao sản phẩm OCOP...

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,5 - 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025, đạt trên 62 triệu đồng. Đến năm 2025, Bắc Kạn phấn đấu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hoàn thành Quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn và đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là khai thác du lịch hồ Ba Bể. Tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%, đến năm 2025 đạt 11.200 tỷ đồng; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm...

Ninh Thuận cần tập trung phát triển các nhóm ngành trụ cột

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kinh tế - xã hội của Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đến nay, Ninh Thuận đã hoàn thành 25/27 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Một số chỉ tiêu đạt cao như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước.

Các nhóm ngành đột phá của tỉnh như năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch... bước đầu phát huy hiệu quả. Đến năm 2020, Ninh Thuận có 4 dự án thủy điện/258,8MW, 5 dự án điện gió/231 MW và 31 dự án điện mặt trời/1.797 MW hòa lưới điện thương mại, tạo ra sản lượng điện 3.500 triệu kWh, tăng 2.313 triệu kWh so với năm 2015.

Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả khâu đột phá về phát triển năng lượng; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; kinh tế đô thị theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được xác định. Phấn đấu đến năm 2025, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12 - 13%/năm.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, Ninh Thuận cần chú trọng khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh gắn với thu hút đầu tư để tập trung phát triển các nhóm ngành trụ cột như kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao...; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Tỉnh cần chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Là địa bàn có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh quốc gia, Bí thư Trung ương Đảng, Đại tướng Lương Cường lưu ý, Ninh Thuận cần gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động đấu tranh có hiệu quả với hoạt động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, giải quyết bức xúc, phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng...

Bảo Quyên - Hải Phong - Mạnh Hà - Vũ Châu - Công Thử