Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020

- Thứ Năm, 26/11/2020, 19:07 - Chia sẻ
Ngày 26.11, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí Logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Cùng dự có Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Bà Stefanie Stallmeister; đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; cùng với hơn 400 doanh nghiệp dịch vụ logistics, kinh doanh vận tải...

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành. Riêng đối với dịch vụ logistics, các Hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Diễn đàn

Chính vì vậy, thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam,  Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước đối thoại với các Bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, để có thể thay đổi về “chất” phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mang lại.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Bộ Công thương với UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, Bộ Công thương đã hỗ trợ Hà Nội rất nhiều trong xây dựng thể chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ. Nhờ đó, dù tác động nặng nề của dịch Covid-19, GRDP của thành phố ước tăng khoảng 4%, gấp khoảng 1,54 lần so với bình quân chung cả nước.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiến nghị một số giải pháp để cắt giảm chi phí logistics và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, trong đó bao gồm việc cần đánh giá khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực này, để có những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả, công bằng hơn. Trên cơ sở những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành dịch vụ logistics, cần tăng cường thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và liên kết chặt chẽ với các chuyên gia trong nước, chương trình nghiên cứu khoa học và các trường đại học lớn, nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ mới, hiệu quả hơn vào hoạt động logistics. Có các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics…

Cũng tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách; đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, giải pháp tiết giảm chi phí, thúc đẩy phát triển logistics cho từng lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường không), cho từng vùng, miền, địa phương. Cùng với đó, triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động logistics. Khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả. Nghiên cứu để quy hoạch, đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính.

Đối với việc cần ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến cao tốc liên vùng, vành đai; sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thuỷ nội địa… Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm logistics trên cả nước. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics…

Ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics
Các doanh nghiệp logistics ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

+ Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các nội dung như hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội; chuyển đổi số trong logistics.

Minh Hương