Khai mạc Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Ba, 26/09/2017, 12:43 - Chia sẻ
Sáng 26.9, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đến dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; cùng hơn 600 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế... 


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ, có sản lượng nông sản lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tính đến tháng 4.2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng ĐBSCL đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, tạo ra thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng, đặc biệt là đời sống và sinh kế của người dân. Do đó, chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo xu hướng bền vững, thích ứng với BĐKH có ý nghĩa hết sức quan trọng, được Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề chính, đó là: Phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo các xu thuế tác động chính, các định hướng chuyển đổi lớn; đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá (tập trung vào đất đai, thuế, thị trường, xúc tiến đầu tư,…); xác định các dự án, đề án ưu tiên với lộ trình, nguồn lực phù hợp với sự tham gia của nhiều bên. Ngoài ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho vùng. Đồng thời, đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý sử dụng nguồn nước giữa các nước trong lưu vực.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thảo luận về tổng quan thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì. Hầu hết đại biểu khẳng định, BĐKH không còn là câu chuyện của trăm năm sau mà nó đang hiển hiện ngay trước mặt, ngày càng rõ nét trong những năm gần đây, đặc biệt là vấn đề nguồn nước và phù sa từ sông Mê Công, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt… Do đó, việc tìm ra các giải pháp, mô hình để chuyển đổi phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH có ý nghĩa rất quan trọng.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đại biểu, chuyên gia nước ngoài trao đổi bên hành lang hội nghị.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì thảo luận chuyên đề nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Dương Chí Dũng chủ trì thảo luận chuyên đề quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL…


Đại diện khách mời quốc tế đọc báo Đại biểu Nhân dân trước giờ khai mạc hội nghị

Theo chương trình, ngày mai, 27.9 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên họp toàn thể về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Tin và ảnh: TUẤN TÙNG