Khai thác biển - Chiến địa cạnh tranh mới

- Thứ Tư, 16/12/2020, 06:39 - Chia sẻ
Trung Quốc vừa ký Biên bản ghi nhớ với Papua New Guinea để xây dựng khu liên hợp chế biến hải sản trên hòn đảo cách lục địa Australia khoảng 200km. Sự hiện diện rõ nét của đầu tư Trung Quốc tại quốc gia Thái Bình Dương - từng thuộc quyền quản lý và là nước láng giềng thân cận nhất của Australia - đã gióng "hồi chuông báo động" với Canberra giữa bối cảnh cuộc chiến giành ảnh hưởng với Bắc Kinh nóng dần thời gian gần đây.

Dự án 527 triệu kina (146 triệu USD) nằm trong danh sách dài các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào các nước đang phát triển được lên kế hoạch theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - kế hoạch hàng tỷ USD của Trung Quốc nhằm xây dựng các liên kết quốc tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Thỏa thuận trên sẽ mở đường cho việc xây dựng một "khu công nghiệp thủy sản đa chức năng toàn diện" trên đảo Daru của Papua New Guinea. Nếu được xây dựng, dự án có thể giúp Port Moresby tối đa hóa năng lực đánh bắt thương mại trong khu vực, với một nhà máy do Trung Quốc xây dựng đóng vai trò là trung tâm chế biến sản phẩm đánh bắt cũng như là trạm dừng chân cho tàu cá.

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bắc Kinh và Port Moresby diễn ra chỉ 5 tháng sau khi Trung Quốc cho phép hàng chục công ty của Papua New Guinea xuất khẩu trực tiếp sản phẩm thủy sản, hải sản sang thị trường Trung Quốc thay vì gửi qua Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Singapore để thông quan.

Đảo Daru nhìn từ trên cao

Tại sao Daru?

Dự án trên đảo Daru đã thu hút sự chú ý của Australia, nước vốn luôn coi các quốc đảo Thái Bình Dương là sân sau của mình. Một bài báo của chuyên gia Jeff Wall, cố vấn lâu năm của Chính phủ Australia về Papua New Guinea vừa được xuất bản bởi Viện Chính sách Chiến lược Australia, đánh giá, sự xuất hiện của một dự án thăm dò tài nguyên lớn của chính phủ Trung Quốc ở ngưỡng cửa phía Bắc của Australia không nằm trong lợi ích chiến lược của Australia.

Mặc dù kế hoạch xây dựng cơ sở đánh cá trên đảo Daru không đưa ra nhiều chi tiết, nhưng đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh tiếp tục quan tâm đến Papua New Guinea và khu vực quần đảo Thái Bình Dương bất chấp những trục trặc trước đó trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Nghị sĩ liên bang Warren Entsch đến từ phân khu Leichhardt ở phía Bắc Queensland cách Papua New Guinea 200km, rất lo lắng về bước đi này. Ông đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại xây dựng một tổ hợp đánh bắt khổng lồ như vậy ở một nơi không có nhiều cá?

Cùng quan điểm trên, trong bài báo của mình ông Jeff Wall cảnh báo: Những người có kiến ​​thức hợp lý về nghề cá của Papua New Guinea đều biết rõ rằng, không có ngư trường thương mại nào gần Daru. Vậy tại sao phải chi tới 200 triệu USD Australia cho một nhà máy chế biến cá ở khu vực không được biết đến là có nguồn lợi thủy sản thương mại?

Australia tin rằng, có thể có một vài lý do chiến lược hơn là cá. Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh không có ý định biến nơi đây trở thành một căn cứ hải quân, ý tưởng về một đội tàu đánh cá lớn của Trung Quốc trong khu vực cũng đặt ra những vấn đề lớn cho Australia. Như ông Jeff Wall phân tích, nguy cơ của các cuộc chạm trán và việc kiểm soát an ninh eo biển sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Trên thực tế, Chính quyền liên bang Australia, chính quyền bang Queensland và Papua New Guinea có một hiệp ước toàn diện về eo biển Torres, bao gồm quyền đánh bắt cá. Việc thực hiện hiệp ước những năm qua không tránh khỏi tranh cãi, nhưng quan hệ giữa người dân Papua New Guinea sống ở Daru và các cộng đồng ở ven biển Queensland và eo biển Torres nhìn chung hài hòa. Sự hòa hợp đó được thúc đẩy bởi một nhóm quyền đánh bắt cá và vượt biên đặc biệt quy định trong hiệp ước và được quản lý bởi các quan chức của cả hai quốc gia với sự đóng góp quan trọng từ Queensland.

Nếu dự án được tiến hành, không loại trừ khả năng tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ hoạt động ở các vùng biển xung quanh Daru và eo biển Torres. Họ có thể sử dụng ngư dân từ Daru và các nơi khác trong tỉnh Fly River. Trong trường hợp đó, Lực lượng Biên phòng Australia, lực lượng tuần tra eo biển, sẽ gặp rắc rối khi phải quyết định tàu đánh cá và thủy thủ đoàn nào thực sự đến từ Papua New Guinea và đâu có thể là “bình phong” đến từ tổ hợp khai thác thủy sản của Trung Quốc.

Về điều này, ông Michael Fabinyi, chuyên gia nghiên cứu quản trị nghề cá ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định, lợi ích đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài của Trung Quốc thường gắn chặt với lợi ích chiến lược. “Điều này có thể được nhìn thấy cả về quyền lực mềm, ví dụ, đầu tư vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở các quốc gia tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường; và về quyền lực cứng, ví dụ như cách Trung Quốc sử dụng ngư dân vũ trang - lực lượng dân quân ở Biển Đông”, ông Fabinyi nói.

Cuộc chiến trên mọi mặt trận

Trên thực tế, Australia hoàn toàn có lý do để lo lắng bởi sự quan tâm của Trung Quốc đối với quốc đảo lớn nhất ở Thái Bình Dương trước đó đã được mở rộng sang các lĩnh vực khác. Cuối năm 2018, trong số 15 khoản đầu tư trên 100 triệu USD của Trung Quốc vào Papua New Guinea, 60% là vận tải, bất động sản và kim loại.

Nếu trước đây Australia là “hầu bao” của Papua New Guinea, thì giờ đây, quốc đảo này có xu hướng quay sang Trung Quốc thường xuyên hơn để tìm kiếm những cam kết tài chính. Tháng 11.2018, không lâu sau khi Papua New Guinea đăng ký Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước với lời hứa cho vay ưu đãi 300 triệu USD.

Trước đó, năm 2017, khoản đầu tư của Trung Quốc tại Papua New Guinea - chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá và cảng - lên tới 2,46 tỷ USD, tăng rất nhiều so với con số 860 triệu USD của năm 2016, theo số liệu được ghi nhận từ cơ quan theo dõi Đầu tư Toàn cầu của Trung Quốc.

Australia quan ngại, Papua New Guinea có thể sẽ không thể thanh toán hết các khoản nợ Trung Quốc, hệ quả là quốc gia "sát sườn" với Australia có thể rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh và buộc phải hy sinh một số lợi ích về mặt chiến lược.

Điện năng - loại sản phẩm Papua New Guinea cần hỗ trợ nước ngoài nhất - đã trở thành "trận địa ác liệt nhất" giữa Trung Quốc và Australia. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2016, chỉ 22,9% cư dân Papua New Guinea có điện. Con số này tương đương với hàng triệu người không có điện sử dụng.

Trung Quốc đã đầu tư hai nhà máy thủy điện ở Papua New Guinea trong dự án Edevu và Ramu 2. Dự án Edevu trị giá 190 triệu USD tại vùng núi ở một tỉnh trung tâm, hướng tới mục tiêu cung cấp 50 megawatt (MW) - đủ cho khoảng 37.500 hộ gia đình - tại Port Moresby trong năm 2020. Tại vùng cao nguyên miền đông, dự án Ramu 2 với trị giá 2 tỷ USD dự kiến sẽ cung cấp 180MW cho các hộ dân khi được hoàn thiện vào năm 2024.

Lợi thế cho Australia

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng trấn an khi cho rằng, Australia vẫn luôn có lợi thế trong mối quan hệ với Papua New Guinea so với Trung Quốc nếu nhìn vào các khoản viện trợ không thành hiện thực và những thách thức trong một số dự án lớn của Trung Quốc ở quốc gia này.

Tháng 8 năm ngoái, Papua New Guinea không nhận được hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ Trung Quốc để hỗ trợ ngân sách của mình. Thủ tướng James Marape đã công khai yêu cầu trên trong một tuyên bố nhưng ông đã rút lại sau cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Xue Bing. Australia sau đó đã nhanh chóng đồng ý cho Papua New Guinea vay trực tiếp 332 triệu USD với lãi suất 2,5%.

Một kế hoạch lớn khác sau đó cũng không thành công là thỏa thuận ký giữa Papua New Guinea với Công ty công nghệ khổng lồ Huawei Technologies của Trung Quốc năm 2016 nhằm lắp đặt đường dây cáp internet dưới biển kết nối quần đảo Solomon, Papua New Guinea với Australia. Australia sau đó đã tham gia tài trợ và hoàn thành xây dựng tuyến cáp dài 4.000km vào năm ngoái.

Ông Ian Kemish, một cựu quan chức ngoại giao Australia cấp cao nghiên cứu về Papua New Guinea, nói rằng sau khi chứng kiến ​​nhiều thương vụ của Trung Quốc không thành công, ông không tin dự án thủy sản mới nhất của Trung Quốc sẽ “thực sự có kết quả gì cụ thể”.

Ông Kemish cho biết: “Tôi vẫn chưa thấy một thực thể nào của Trung Quốc có thể đầu tư thành công vào các dự án ở Papua New Guinea hoặc Thái Bình Dương một cách bền vững”. “Các công ty từ Trung Quốc có xu hướng nghĩ rằng, họ chỉ cần làm việc trực tiếp với trung ương hoặc cấp cao nhất là quá trình thực hiện sẽ thành công. Điều này không đúng với các quốc đảo ở khu vực. Trên thực tế, Papua New Guinea và các nền văn hóa Thái Bình Dương khác hoạt động theo cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận, nơi các chủ đất riêng lẻ và các bên liên quan khác ở địa phương sẵn sàng từ chối các giao dịch được thực hiện ở cấp quốc gia nếu bản thân họ không được tham vấn và nếu họ không có lợi ích rõ ràng”.

Đạt Quốc