Khai thông bế tắc

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:17 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý đảo chiều kết quả bầu cử ngày càng khó thành công, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bước đầu đồng ý chuyển giao quyền lực vì “quyền lợi đất nước”, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông chấm dứt kiện tụng ở các bang chiến trường.

Chuyển giao nhưng không thừa nhận thua cuộc

Động thái của đương kim ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi các nhà chức trách bang Michigan xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden tại đây. Hôm 23.11, bà Emily Murphy, lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA), đã chính thức thông qua quy trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden, công nhận ông là “người chiến thắng hiển nhiên”. Bà Emily Murphy cho biết, quyết định của mình là độc lập, “dựa trên luật pháp và những dữ kiện có sẵn”, “không phải chịu áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp của bất kỳ quan chức ở nhánh hành pháp nào”.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Với động thái này, đội ngũ của ông Biden có thể nhận được các bản tóm tắt an ninh quốc gia hàng ngày tương tự như tổng thống đương nhiệm. Các cuộc họp này được Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, Cơ quan Tình báo Trung ương, Cơ quan An ninh quốc gia, Cục Điều tra Liên bang, Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao tổ chức, để giúp chính quyền tiếp theo nắm bắt các động lực chính trị của thế giới, các mối đe dọa tiềm ẩn và nhiều chi tiết khác mà một tổng thống cần biết để giữ an toàn cho quốc gia. Ngoài ra ông Biden cũng được quyền truy cập ngân sách liên bang (bà Murphy cho biết đang chuẩn bị chuyển quỹ có khoảng 6,3 triệu USD cho tổng thống đắc cử) cũng như nhận được văn phòng chuyển tiếp để làm việc trong vòng 2 tháng tới.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump tỏ ra đồng ý bước đầu chuyển giao quyền lực nhưng ông vẫn không nhận thua, đồng thời khẳng định trên tài khoản Twitter cá nhân rằng “vụ kiện của chúng tôi vẫn được xúc tiến mạnh mẽ, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và tôi tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng!”.

Trước đó, hôm 23.11, hơn 100 cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao của đảng Cộng hòa từng phục vụ dưới thời các cựu Tổng thống Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush cũng như chính tổng thống đương nhiệm đã viết thư thúc giục các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng này yêu cầu Tổng thống Donald Trump “tôn trọng ý nguyện của người dân Mỹ”, chấm dứt hành vi “công kích phản dân chủ nhằm vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống” và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử.

Họ khẳng định cuộc bầu cử đã kết thúc và có kết quả chắc chắn. Các cựu quan chức an ninh cho rằng, việc phủ nhận của Tổng thống Donald Trump đối với chiến thắng của ông Biden sẽ gây ra những rủi ro đáng kể đối với an ninh của Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 cũng như các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng khác.

Hoàn thiện bộ máy công quyền

Trong thời gian nhận chuyển giao quyền lực, ông Biden đã đề cử những nhân vật sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, sẵn sàng tiếp quản và lãnh đạo nước Mỹ từ năm sau.

Vị trí quan trọng đầu tiên sẽ là ông Antony Blinken với vai trò Ngoại trưởng. Năm nay 58 tuổi, ông Blinken từng là Thứ trưởng Ngoại giao và Phó Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama - Biden. Ông đã tư vấn cho ông Biden về chính sách đối ngoại từ năm 2002. Việc lựa chọn ông Blinken được giới quan sát xem là động thái sẽ đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Ông Blinken từng nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức, liên minh quốc tế và dự kiến ​​sẽ dẫn đầu việc Mỹ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp định Khí hậu Paris, cũng như khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bộ trưởng An ninh Nội địa trong chính quyền mới đã được chỉ định cho ông Alejandro Mayorkas, cựu công tố viên liên bang ở California, từng là Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nếu được xác nhận, Mayorkas sẽ trở thành người gốc Latin (Cuba) đầu tiên và là nhà lãnh đạo sinh ra ở nước ngoài đầu tiên của Bộ An ninh Nội địa, vốn được thành lập sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001. Ông Biden từng cam kết sẽ đảo ngược nhiều chính sách nhập cư hạn chế của chính quyền Tổng thống Donald Trunp. 

Một vị trí quan trọng khác là Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ được trao cho bà Avril Haines, vốn là Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama. Trước đây bà là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Nếu được xác nhận, Haines sẽ trở thành phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò quan trọng này, giám sát một nhóm gồm 17 cơ quan, trong đó có CIA và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).

Được điểm mặt còn có ông Jake Sullivan với nhiệm vụ là Cố vấn An ninh quốc gia. Ông cũng từng đảm nhiệm vai trò trên thời Tổng thống Obama, đồng thời cũng là Phó Chánh Văn phòng cho Ngoại trưởng Hillary Clinton khi ấy. Ông Sullivan nổi tiếng là người điều hành hậu trường, từng tham gia các cuộc đàm phán bí mật với Iran dẫn đến thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện, mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi năm 2018.

Trong khi đó, bà Linda Thomas-Greenfield được ông Biden chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Linda là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của cựu Tổng thống Obama về châu Phi từ năm 2013 - 2017. Bà đã lãnh đạo chính sách của Mỹ ở khu vực châu Phi cận Sahara trong thời kỳ bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi. Trước đây, bà còn là đại sứ tại Liberia và được bổ nhiệm nhiều vị trí ngoại giao ở Thụy Sĩ, Pakistan, Kenya, Gambia, Nigeria và Jamaica.

Kể từ năm 2017, bà đứng đầu Tập đoàn châu Phi tại Albright Stoneridge Group, một công ty ngoại giao thương mại tư nhân do cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright làm Chủ tịch. Thomas-Greenfield sẽ được giao nhiệm vụ khôi phục tầm vóc của Mỹ tại LHQ. Là người da đen, bà nhấn mạnh sự cần thiết của đa dạng trong bộ máy chính sách đối ngoại của xứ sở cờ hoa.

Một phụ nữ khác cũng được “chọn mặt, gửi vàng” vào vị trí vô cùng quan trọng trong nội các của ông Biden. Đó là bà Janet Yellen trong vai trò Bộ trưởng Bộ Ngân khố (Bộ trưởng Tài chính). Yellen là nhà kinh tế học lão luyện, có nhiều năm làm việc trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, thậm chí từng là Chủ tịch cơ quan này giai đoạn 2014 - 2018. Nếu được xác nhận, bà Yellen, nữ Chủ tịch đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang, cũng sẽ là nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên.

Một cái tên quen thuộc của chính quyền Tổng thống Obama là cựu Ngoại trưởng John Kerry sẽ trở lại chính quyền mới để trở thành Đặc phái viên của tổng thống về vấn đề khí hậu. Cụ thể, ông sẽ đóng vai trò là “người đứng đầu khí hậu” trong Hội đồng An ninh quốc gia của ông Biden. Vị trí mới là lần đầu tiên một thành viên của hội đồng sẽ đặc trách vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Kerry, 76 tuổi, chính là người giúp đàm phán thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Từng là Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Kerry là ứng cử viên của đảng Dân chủ cho chức tổng thống năm 2004, tuy nhiên ông đã thua đối thủ George W Bush của đảng Cộng hòa.

Linh Anh