Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid - 19:

Khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó đại dịch trong tình hình mới

- Thứ Hai, 08/11/2021, 11:10 - Chia sẻ
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, tiếp tục thảo luận tại phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ phải thay đổi tư duy bằng cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần phải thích ứng an toàn, lâu dài với dịch Covid-19. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Tuyệt đối tránh việc xử lý, hành xử theo cảm tính

Để có quyết sách đúng đắn và thực thi hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid – 19, phục hồi kinh tế trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện vừa qua.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) có 3 vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong đó, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn thì một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. “Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở số nơi và trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã càng bộc lộ rõ hơn. Cá biệt có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không không trung thực, có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu người dân”, bà Hoa cho biết. Cùng với đó, có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Những trường hợp nêu trên, theo đại biểu tỉnh Nam Định, tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo ra hình ảnh phản cảm, phần nào là mất uy tín của chính quyền. Do đó, bà đánh giá cao việc gần đây nhiều tỉnh, thành phố đã có các biện pháp xử lý đối với cán bộ vi phạm. Đây là việc làm đúng đắn bởi muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch thì trước hết cán bộ phải nêu gương nghiêm túc, chấp hành trước. Nếu có sai phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Từ thực tế vừa qua, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, bài học rút ra là với bất cứ việc gì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục; trong tình thế cấp thiết khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc xử lý và hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật. Đại biểu cũng nhấn mạnh bài học khi đưa ra quyết sách, biện pháp gì đều phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên hết, trước hết. “Khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, vì lợi ích chung, hợp lòng dân thì dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ”, đại biểu nói.

Trên tinh thần đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần thực hiện 6 mục tiêu lớn gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm. Cụ thể, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ người mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19, bảo đảm phục hồi kinh tế-xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe, tinh thần của người dân nhất là với học sinh, sinh viên. Tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn.

Thực sự “thắt lưng buộc bụng”, ưu tiên nguồn lực chống dịch và phục hồi kinh tế

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ nhất trí tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 với nguyên tắc xuyên suốt đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi thực tế đã cho thấy, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là hai “mặt trận” song hành. Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch, ngược lại nếu không có nền tảng kinh tế thì kông có lực để chiến đấu với dịch bệnh. “Trong điều hành cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ. Việc chuyển trạng thái là cần thiết nhưng cần tránh tâm lý chủ quan, lúc quá tả lúc quá hữu”.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, huy động tối đa các nguồn lực cho chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh cho đến nay đã gần 100.000 tỷ là con số rất lớn. “Ngân sách Nhà nước thời gian qua đã phải căng ra để lo cho chi chống dịch. Do đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi…, tiết kiệm ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán. Trong lúc này, chúng ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, từ người dân vào hoạt động kinh tế. Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất nhất là ở các địa phương trọng điểm nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động, chuyên gia; thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn để không xảy ra tình trạng “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

Đồng thời phải có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp. “Doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế nhưng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi. Vai trò của Ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đáng giá kỹ hơn, nhất là khi mà đầu vào đang có xu hướng cái gì cũng tăng giá. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí cao; gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương đến ngày 31.7.2020 khi kết thúc giải ngân, chưa có đơn vị nào tiếp cận được”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.

Quang Khánh