Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH

- Thứ Ba, 26/10/2021, 17:21 - Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng, là trụ cột trong lưới an sinh xã hội của đất nước ta. Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách BHXH đã đặt ra nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật BHXH hiện hành, do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, hiện Luật BHXH quy định, người lao động có 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút BHXH 1 lần lại rất dễ. Nghị quyết số 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, trong đó, hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Điều này giúp người lao động dễ dàng lựa chọn tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hạn chế tình trạng hưởng BHXH 1 lần.

sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo định hướng cải cách chính sách BHXH
Sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo định hướng cải cách chính sách BHXH

“Việc rút BHXH 1 lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng khi hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được hưởng phần của người lao động đóng. Trong khi BHXH có cả phần người lao động đóng và phần của người sử dụng lao động đóng. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng BHXH thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút 1 lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng BHXH 1 lần. Bình quân hàng năm số người rút khỏi hệ thống BHXH khoảng 5%, theo nhận định của Ủy ban Xã hội, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHXH. Riêng năm 2020, có đến gần 861.000 người hưởng BHXH 1 lần, tăng hơn 53.000 người so với năm 2019, tương ứng với 6,65%. Đây là một trong những lý do cho thấy cần phải sớm sửa Luật BHXH” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Công tác quản lý quỹ luôn được BHXH Việt Nam đặt lên hàng đầu, theo hướng phát triển bền vững và bảo đảm quyền lợi người tham gia. Ðặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành chính sách liên quan đến BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một số lĩnh vực bảo hiểm ngắn hạn hiện có số dư khá lớn.

“Chẳng hạn vừa rồi kết dư Quỹ BHTN từ 2020 chuyển sang là trên 90 nghìn tỷ nên chúng ta quyết định dành 1/3 trong số đó hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHXH, cơ bản đã cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, các vấn đề về đầu tư, sinh lời, chi phí quản lý Quỹ như báo cáo của Chính phủ cũng đều rất tốt. Về vấn đề khởi kiện, giải quyết việc trốn đóng, chậm đóng, xử lý vấn đề trục lợi BHXH… cũng có nhiều tiến bộ so với trước.

Minh Nhật