Khẳng định cam kết về văn hóa thực thi và chất lượng phục vụ

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 06:18 - Chia sẻ
Giai đoạn 2020 - 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính cấp tỉnh (PAPI) hằng năm nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Tỉnh cũng phấn đấu nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) hằng năm. Để đạt được mục tiêu trên, chính quyền tỉnh xác định công tác cải cách thể chế, công khai các thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa nền hành chính là những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ.

­­Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo

Có thể thấy, việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực ở tất cả các lĩnh vực. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ: Những năm qua, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về CCHC được nâng lên nhiều so với trước đây. Tỉnh cũng đầu tư bài bản, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính được tổ chức khoa học; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước được nâng cao; thể chế nền hành chính được cải cách và hoàn thiện cơ bản, phát huy dân chủ, thiết lập chế độ công khai, minh bạch; công tác ban hành văn bản được tiếp tục đổi mới về chất lượng, nội dung và quy trình.

Những nỗ lực của chính quyền địa phương đã giúp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC. Bên cạnh đó, việc công khai, đầy đủ TTHC cũng tạo nhiều  thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu CCHC của tỉnh thời gian qua đã đạt và vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 60/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đặc biệt, tỉnh cũng áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách TTHC như triển khai sử dụng ứng dụng Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp… Qua khảo sát, mức độ hài lòng trung bình của người dân (chỉ số SIPAS) đối các dịch vụ công đạt trên 80%. Năm 2019, chỉ số SIPAS của Vĩnh Phúc đạt 83,37%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu hàng năm phấn đấu Chỉ số PCI và chỉ số PAPI nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; chỉ số Par Index và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông ICT thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước. Mục tiêu này, vừa là động lực vừa là cam kết về chất lượng thực thi, văn hóa thực thi, chất lượng phục vụ người dân. “Hiện nay, nói đến các chỉ số này không còn là câu chuyện phấn đấu chỉ tiêu trong năm, mà đã trở thành văn hóa của đội ngũ cán bộ công chức, của hệ thống chính trị trong việc phục vụ người dân. Vĩnh Phúc luôn lấy sự hài lòng của người dân, lấy kết quả công việc làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền”, Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc lấy sự hài lòng của người dân, lấy kết quả công việc làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền  

Tập trung cải cách thể chế, hiện đại hóa nền hành chính

Chia sẻ về các nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thị Thu Hằng cho biết: Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá và hiệu quả”. Theo đó, tỉnh tập trung vào cải cách thể chế như việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước; thường xuyên giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC, công khai TTHC, công khai phí, lệ phí, thời gian và tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện có hiệu quả phần mềm một cửa tại 3 cấp. Đặc biệt, sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp bảo đảm tinh gọn hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể: Đến năm 2021, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực phải bảo đảm giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý so với năm 2015; đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý so với năm 2021. Đồng thời, tiến hành giải thể những đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với quy hoạch của tỉnh, quy định của bộ, ngành; chuyển đổi mô hình hoạt động đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, giáo dục, y tế.

“Riêng đối với hiện đại hóa nền hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ việc hoàn thiện hệ thống cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện hiệu quả việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quản lý về chất lượng trong các cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hiệu quả phần mềm dùng cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa, một cửa liên thông ở các cấp”, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ.

Hiếu Phạm