Khẳng định trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:58 - Chia sẻ
Theo sát diễn biến phiên thảo luận toàn thể tại hội trường hôm qua về kế hoạch kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại diện Thường trực, các Ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND một số địa phương khẳng định: Dưới sự điều hành linh hoạt, có trọng tâm của Chủ tọa, thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đã được đưa vào nghị trường đa dạng, sinh động. Từng ĐBQH đã thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra những giải pháp khả thi về quốc kế dân sinh, kiến tạo động lực đưa đất nước vững vàng tiến về phía trước.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM:
Thẳng thắn nhận diện các bất cập, hạn chế

Trong ngày thảo luận thứ hai của Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tôi đánh giá rất cao các ý kiến thảo luận vừa nêu bật thành quả, vừa thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, hạn chế. Từ đó, kiến nghị, đề xuất để Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Qua thảo luận, các ĐBQH đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh như: Việc chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng; nhiều địa phương ban hành quy định không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, tỉ lệ tiêm chủng vaccine nhiều địa phương còn thấp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch vẫn kiểu mạnh ai nấy làm, gây khó khăn cho Nhân dân.... Đây là những vấn đề Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ bằng những cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất để các địa phương phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

Các ĐBQH cũng đã đưa ra nhiều phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng về tình hình phân bổ ngân sách. Trong đó, nhấn mạnh cần ưu tiên một số lĩnh vực cấp thiết, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Tôi rất đồng tình với ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép các tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển. Bởi, hiện nay nhiều tỉnh sau khi cân đối đủ nguồn cải cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn nhưng không được chi cho đầu tư phát triển, gây lãng phí nguồn lực. Tại kỳ họp này, tôi cũng mong muốn Quốc hội xem xét, quyết nghị ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Cơ chế này sẽ góp phần tạo động lực để tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An BÙI DUY SƠN:
Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Trong ngày làm việc thứ hai, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chỉ ra những vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm. Tôi và đông đảo cử tri đánh giá cao ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận. Đó đều là những ý kiến rất xác đáng, nhiều chiều, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, sát với thực tế. Chủ tọa điều hành tại phiên thảo luận cũng thể hiện sự linh hoạt, hướng các nội dung đi vào trọng tâm, trọng điểm…

Qua các ý kiến thảo luận, chúng ta thấy rõ hơn đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội năm 2021 tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Thể hiện tinh thần đồng hành với Chính phủ, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Trước yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt như: Nghị quyết số 128/NQ-CP với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ về an sinh - xã hội; kêu gọi tài trợ và triển khai kịp thời việc tiêm vaccine, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ vaccine với phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Trước dự báo đại dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhiều bất định, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ vẫn hiện hữu… tôi đồng tình cao với các nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Chính phủ cần kịp thời vinh danh, tuyên dương đúng công trạng cũng như kịp thời thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân cảm ơn các cá nhân, tổ chức (y tế, vũ trang...); đẩy nhanh tiến độ, phân bổ đồng đều vaccine phòng Covid-19, nhất là khu vực nông thôn; sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đánh giá đúng mức kết quả thực hiện "mục tiêu kép"; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hòa Bình TRẦN ÁNH DƯƠNG:
Mang cuộc sống vào từng nội dung thảo luận  

Theo dõi phiên thảo luận, tôi đánh giá cao điều hành linh hoạt của Chủ tọa và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu với các ý kiến đóng góp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường và chuyển tải rõ nét tâm tư nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, đặt nhiều kỳ vọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. Nhất là các giải pháp tăng độ bao phủ vaccine trong toàn dân; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm mục tiêu vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi để sớm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, là các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước, giữ tỷ lệ lạm phát trong phạm vi kiểm soát; tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng…

Tôi cũng tán thành với đề nghị của ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ), mong muốn Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; sớm ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, làm cơ sở để phân bổ vốn, cân đối nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, có quy định thời hạn cụ thể phải hoàn thành việc phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương…

Liên quan đến phát triển nông nghiệp, hai năm vừa qua, dù gặp phải rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song đây vẫn là lĩnh vực có sự tăng trưởng khá, thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Vì lẽ đó, tôi mong rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ những bất cập, thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ đất đai, nhất là quy định về hạn mức đất nông nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

ĐÀO CẢNH – DIỆP ANH – TRẦN TÂM ghi