Nhân chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ, thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam

Khẳng định và nâng tầm vị thế ngoại giao nghị viện vì lợi ích quốc gia, dân tộc

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 07:52 - Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5 - 11.9 tới. Đây là chuyến công tác đầu tiên của một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta đến châu Âu sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Với lịch trình hoạt động dày đặc, kết hợp giữa đối ngoại đa phương và song phương, giữa ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ vai trò của ngoại giao nghị viện vì lợi ích quốc gia, dân tộc; khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực tại các cơ chế hợp tác đa phương và song phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản ngày 21.6.2021
Ảnh: Lâm Hiển

Dấu ấn mở đầu cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện truyền thống

Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động ngoại giao nghị viện theo hình thức truyền thống (gặp gỡ, trao đổi, đối thoại trực tiếp) bị gián đoạn. Với tinh thần chủ động và linh hoạt, Quốc hội Việt Nam đã tích cực duy trì và thúc đẩy các hoạt động đối ngoại theo hình thức trực tuyến để thích ứng với bối cảnh đại dịch. Song rõ ràng, “gặp nhau qua màn hình” là không đủ. Chuyến công tác của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta tới các nước châu Âu ở thời điểm này sẽ là dấu ấn mở đầu, “làm sống động trở lại” các hoạt động ngoại giao trực tiếp của Quốc hội Việt Nam, tiếp nối và phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, trách nhiệm, hành động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả của Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương và song phương.

Với lịch trình hoạt động dày đặc, phong phú cùng với các hoạt động qua kênh nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến sẽ gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ các nước, kết hợp nhuần nhuyễn đối ngoại đa phương và đối ngoại song phương, giữa ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước theo đúng tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, góp phần quan trọng tăng cường hợp tác nghị viện, củng cố sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các nước và các đối tác.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là diễn đàn nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức. Với cơ chế tổ chức 5 năm một lần, Hội nghị thu hút sự tham dự của đông đảo các Chủ tịch Quốc hội trên toàn thế giới, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU và lãnh đạo các tổ chức quốc tế khác. Vì thế, Hội nghị còn là hình thức biểu thị cao nhất ý chí chính trị, cam kết hành động của người đứng đầu các cơ quan lập pháp trên thế giới với Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các thách thức vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, luật pháp quốc tế, dân chủ, nhân quyền và bình đẳng giới. Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 là sự kiện quốc tế lớn nhất quy tụ đông đảo nhất các quốc gia tham gia với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo nghị viện các nước được tổ chức trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid - 19 bùng phát làm đóng băng các hoạt động giao lưu quốc tế, ngoại giao đa phương. Theo Ban Tổ chức, đến nay đã có 114 Chủ tịch Quốc hội, 30 Phó Chủ tịch Quốc hội đăng ký tham dự Hội nghị, trong đó có nhiều nước lớn, có vai trò quan trọng trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nga, Anh, Ý, Canada.

Được tổ chức trực tiếp tại Áo trong bối cảnh thế giới và các nước châu Âu đang bắt đầu tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của IPU, nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch cũng như xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế. Nói cách khác, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 chính là dấu ấn mở đầu cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống.

Theo lịch trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ tham dự các hoạt động trong khuôn khổ của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới. Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu, nêu quan điểm của Việt Nam tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất này”; tham dự và thảo luận tại các phiên họp chuyên đề nhằm hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới; giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19; phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh; nghị viện và quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội dự kiến có các cuộc gặp với Chủ tịch IPU, Tổng thư ký IPU và có các cuộc tiếp xúc song phương với một số Trưởng đoàn/Chủ tịch Nghị viện một số nước, đối tác lớn, quan trọng sau gần 2 năm gián đoạn các hoạt động đối ngoại trực tiếp do dịch bệnh Covid-19; tiếp xúc, làm việc với một số tổ chức quốc tế và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Vienna (Áo).

Ngay sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ kết hợp thăm làm việc với EU, EP, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với EU/EP - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, và quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Bỉ, Phần Lan cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với các quốc gia này; tranh thủ xây dựng quan hệ ở cấp Lãnh đạo chủ chốt của nước ta với các nước, thúc đẩy phát triển quan hệ với các chính đảng, mở rộng đối ngoại nhân dân.

Đặc biệt với EP, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa quan trọng sau khi EP và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong năm 2020, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc triển khai các cam kết; đồng thời, là sự mở đầu cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Lãnh đạo cao nhất của hai cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ mới.

Với Phần Lan, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội nước ta sau nhiều nhiệm kỳ, tạo dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và cơ quan lập pháp hai nước. Thông qua Phần Lan, Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực Bắc Âu và vùng Baltic.

Triển khai tích cực ngoại giao vaccine, ngoại giao phục vụ kinh tế

Chuyến công tác châu Âu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn hướng đến hai mục tiêu rất cụ thể, rất “sát sườn” với nước ta hiện nay. Đó là, triển khai chiến lược ngoại giao vaccine. Tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ chia sẻ, đóng góp các ý kiến, đề xuất của Việt Nam góp phần vào công cuộc phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Thông qua các tiếp xúc song phương trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn Việt Nam sẽ triển khai tích cực ngoại giao vaccine, trao đổi, vận động các nước, đối tác, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tài trợ, viện trợ vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, thúc đẩy thương mại vaccine, tranh thủ nguồn dôi dư vaccine của các nước nhằm đa dạng hóa nguồn cung vaccine cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch trong nước.

Chuyến thăm còn nhằm thực hiện chủ trương ngoại giao phục vụ kinh tế, thúc đẩy thực thi EVFTA, vận động nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA. Cụ thể, tại Áo, Bỉ, Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội sẽ trực tiếp tham dự các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và các nước, gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp và tiếp một số doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia lớn của châu Âu và thế giới. Các hoạt động này là minh chứng rõ nét thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam cùng các nước và cộng đồng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như giới thiệu môi trường đầu tư, nhu cầu, các chính sách của Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực phục vụ “mục tiêu kép”. Là cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước, Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, thống nhất, hiệu quả. Do đó, việc Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế còn khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam trong việc duy trì môi trường ổn định, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Trong thời gian chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn sẽ có các cuộc gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt ở Áo, Hungary, Slovakia, Bỉ và Phần Lan, động viên kiều bào vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, đồng thời chung tay hỗ trợ Nhân dân trong nước, thể hiện sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước. Đây là tình cảm của người đứng đầu cơ quan lập pháp với kiều bào ở nước ngoài, đồng thời cũng thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần Kết luận 12 của Bộ Chính trị ngày 12.8.2021 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Hơn 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nghị viện ở cả bình diện đa phương và song phương. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã ngày càng chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV: “Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế”.

Giai đoạn hiện nay và những năm tới đây, tinh thần "hòa bình, hợp tác và phát triển" vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Đó cũng là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân trên toàn thế giới. Nhưng dự báo tình hình cũng cho thấy những biến động sâu sắc, bất ổn và khó lường. Trong bối cảnh đó, là cơ quan đại diện cao nhất cho tiếng nói của Nhân dân Việt Nam, công tác đối ngoại của Quốc hội càng phải phát huy tối đa vai trò, “sức mạnh mềm” để đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp sau hoạt động tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 hết sức thành công, để lại nhiều dấu ấn đậm nét tại cơ chế hợp tác nghị viện đa phương của khu vực ASEAN, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các nước châu Âu lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Trong đó, đối ngoại Quốc hội chính là nhân tố kết nối giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đưa hoạt động đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới, thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phạm Thúy