Hôm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc

Khát vọng dân tộc - cách tiếp cận mới, giàu tính nhân văn

- Thứ Hai, 01/02/2021, 07:00 - Chia sẻ
Hôm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ bế mạc. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ, đây là kỳ Đại hội đặc biệt. Trong đó, phải kể đến một nội dung mới và rất hợp lòng dân được nhấn mạnh trong văn kiện trình Đại hội, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của cả dân tộc. Đây là cách tiếp cận mới mẻ, đúng đắn và giàu tính nhân văn của Đảng ta. Khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc sẽ cộng hưởng mạnh mẽ với đường lối đúng đắn của Đảng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng

Những ngày qua, theo dõi thông tin về Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bà có suy nghĩ thế nào?

	ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

 - Đại hội Đảng toàn quốc dù ở giai đoạn lịch sử nào vẫn luôn là sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước. Mỗi kỳ Đại hội đều mang ý nghĩa lớn lao cùng với những dấu ấn, những điểm nhấn nổi bật. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng vậy, theo tôi, có nhiều yếu tố để tạo nên những giá trị, ý nghĩa đặc biệt của Đại hội lần này.

Thứ nhất, đó chính là dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là năm 2020 khi chúng ta thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Đó còn là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt, “không có vùng cấm”, gắn với tinh thần xử lý kỷ luật Đảng hết sức nghiêm minh. Là quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững và tăng cường, góp phần trọng yếu trong việc ổn định chính trị - xã hội, là sự chuyển đổi rõ nét trong tư duy đối ngoại của Đảng ta đang ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế.

Thứ hai là bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng XIII đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực với những diễn biến khó lường chưa từng có do đại dịch Covid-19. Đó sẽ là những khó khăn thách thức rất lớn đối với khả năng, tiềm lực của nước ta trong 5 năm tới, nhưng cũng chính là thời cơ để Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều quyết sách quan trọng có tính chiến lược…

Cuối cùng, tôi cho rằng, trong bất kỳ Đại hội nào thì nội dung văn kiện là linh hồn, khí phách của kỳ Đại hội đó. Và văn kiện trình Đại hội lần này, với cảm nhận của tôi, chính là yếu tố đặc biệt nhất, tạo nên ý nghĩa đặc biệt của Đại hội XIII của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII là sự kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, một nội dung mới và rất hợp lòng dân là khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc.

- Bà vừa đề cập đến khát vọng vươn lên của dân tộc. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII?

- Bản năng của con người chính là bản năng sinh tồn, bản năng của một dân tộc chính là khát vọng vươn lên. Tôi hiểu rằng, khát vọng vươn lên được bắt nguồn từ khát vọng sống. Sống ở đây có ý nghĩa là sự sống, là giá trị sống chứ không chỉ đơn giản là dạng thực thể vật chất có cơ chế sinh học. 

Có lần tôi hỏi một em học sinh được tặng chiếc xe đạp và tập vở, trong dự án phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh mà chúng tôi triển khai tại tỉnh Phú Yên, rằng: “Con vừa mổ xong thì có đủ sức khỏe để đạp xe đi học xa như vậy không?”. Cậu bé đã nói: “Con sẽ khỏe vì con muốn được đi học ạ”. Câu trả lời ngắn gọn ấy thể hiện ước mơ của bao trẻ em nghèo, nhưng xa hơn đó chính là hạt mầm của khát vọng. Hạnh phúc đối với trẻ em nghèo tuy giản dị nhưng để có được hạnh phúc các em phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Ở góc độ nào đó, tôi hiểu rằng, khát vọng và hạnh phúc luôn phải gắn liền với nhau. Khát vọng chính là tâm thế và hạnh phúc được đánh giá bằng cả quá trình phấn đấu và thụ hưởng thành quả của sự phấn đấu đó. 

Nếu không có khát vọng sống, con người sẽ thiếu động lực để làm những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Khơi dậy khát vọng vươn lên là xây dựng lối sống có tinh thần trách nhiệm, biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, có khát khao cống hiến, đóng góp sức mình cho cộng đồng, cho quê hương. Đây là cách tiếp cận mới mẻ, đúng đắn và giàu tính nhân văn của văn kiện trình Đại hội XIII. Nói vậy để người dân thấy dễ hiểu hơn, để thấy văn kiện Đại hội Đảng luôn gần gũi với Nhân dân, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc sẽ cộng hưởng mạnh mẽ với đường lối đúng đắn của Đảng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mà Đảng đã đề ra. 

	Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng Ảnh: TTXVN
Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ảnh: TTXVN

Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

- Cùng với khát vọng, chúng ta cũng phải có cả ý chí và quyết tâm mạnh mẽ mới có thể thực hiện được những mục tiêu rất lớn mà Đại hội đề ra. Bà có suy nghĩ gì về điều này?

- Khát vọng là những mong ước, ước muốn lớn lao, vĩ đại và tốt đẹp của con người với sự thôi thúc mạnh mẽ, từ đó có quyết tâm để đạt được những mong muốn ấy. Tôi nhớ từng đọc câu nói của nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) Chung Ju-Yung: “Mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, mất lòng tin là mất rất nhiều, nhưng mất ý chí vươn lên mới là mất tất cả”. Nếu bạn có ước mơ nhưng không nuôi dưỡng ước mơ ấy, không đặt ra mục tiêu để biến ước mơ thành sự thật thì nó cũng chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ. Khát vọng bao hàm cả ý chí và sự quyết tâm mạnh mẽ, nếu không nó cũng chỉ dừng lại ở ước vọng.

Quan trọng nhất ở mục tiêu này là phải quan tâm làm từ công tác giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng về ý thức, lý tưởng sống, ý chí và cả quyết tâm trong hành động. Văn kiện trình Đại hội nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. 

Sự tiếp cận mới mẻ, mang đậm tính nhân văn trong văn kiện trình Đại hội XIII liên quan chặt chẽ đến các chính sách an sinh xã hội mà người dân chính là đối tượng chịu sự tác động và thụ hưởng. Bà mong muốn và kỳ vọng gì vào việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chính sách này?

- Những ngày gần đây tôi thường suy nghĩ về cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các dự án huy động nguồn lực trợ giúp người yếu thế, phát triển cộng đồng. Ngoài chính sách an sinh của Nhà nước thì việc tổ chức, kêu gọi thêm nguồn lực bên ngoài chung tay chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội là công việc mà chúng tôi vẫn thường lên kế hoạch chuẩn bị từ đầu năm. Thế nhưng, sau một năm thế giới phải trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19, Việt Nam đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, kinh tế suy thoái… thì cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội của người nghèo ngày càng bị thu hẹp. 

Quan sát xã hội, tôi nhận thấy, dù kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm nhưng năm nào cũng có những người yếu thế trong xã hội cần được hỗ trợ, bảo vệ. Ở khía cạnh ngược lại, chúng tôi phụ trách lĩnh vực bảo trợ xã hội cũng nhận thấy những chính sách an sinh xã hội hiện hành chưa thật sự tạo ra sự công bằng về cơ hội cho mọi người dân, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Một khi chính sách dễ bị lạm dụng, trục lợi, sẽ tạo thành thói quen vô cùng nguy hại là sự trông chờ ỷ lại, mai một ý chí phấn đấu, sự yếu ớt trong khả năng chống chọi, đối mặt và thích ứng với khó khăn, biến cố và thỏa hiệp với tiêu cực xã hội...

Một dân tộc hùng cường, một đất nước phồn vinh hay niềm hạnh phúc an vui của mỗi người dân nhất định phải được xây dựng từ nền tảng truyền thống văn hóa đoàn kết, yêu thương, san sẻ, khát khao vươn lên, ý thức độc lập, tự chủ. Tinh thần tự lực, tự cường phải luôn được tôn trọng, phát huy và giữ vững trong mỗi người dân Việt Nam. 

Và vì thế, chính sách nào cũng đóng vai trò rất quan trọng và cũng đều là nhiệm vụ thường xuyên: Văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, môi trường hay kinh tế nếu không gắn kết hài hòa với nhau, nếu không mang một triết lý đúng đắn xuất phát từ con người, vì con người, không lấy con người là trung tâm để đánh thức tiềm năng, khai thác sức mạnh nội sinh, đoàn kết toàn dân thì thật khó để hoàn thành sứ mệnh cao cả là khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại. Khơi dậy khát vọng ấy, sức mạnh ấy như thế nào, ngoài các nhóm chính sách văn hóa - xã hội còn phải tính đến phương pháp, cách làm và con người thực hiện.

- Như bà chia sẻ, Đại hội XIII là đại hội đặc biệt. Bà kỳ vọng điều gì sau Đại hội này? 

Trong điều kiện khó khăn chồng chất khó khăn hiện nay, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Tôi cũng kỳ vọng vào các chủ trương, đường lối, chính sách quản lý và phát triển xã hội vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá và phù hợp với tinh thần đổi mới - sáng tạo, khơi dậy và phát huy giá trị con người. Các quyết sách có thực sự tạo ra đột phá hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chuyển động mạnh mẽ trong tư duy, tầm nhìn bao quát, hành động quyết liệt trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. 

- Xin cảm ơn bà!

Nhật An thực hiện