Nâng cao kỹ năng nhà giáo GDNN:

Khâu đột phá để nâng tầm kỹ năng lao động

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 14:21 - Chia sẻ
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức buổi họp báo để thông tin về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 2021 (GDNN). Vượt ra khỏi khuôn khổ của Hội giảng, việc phát triển kỹ năng sư phạm cho nhà giáo và chuyển đổi số trong đào tạo nghề là 2 khâu đột phá để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam ở những năm tới. Để độc giả có cái nhìn tổng thể về ý nghĩa của hoạt động bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN TS. Nguyễn Thị Việt Hương đã có những chia sẻ chi tiết với báo Đại biểu Nhân dân tại buổi họp.

Lan tỏa phong trào rèn luyện kỹ năng của nhà giáo

- Được biết đây là lần thứ 9 Hội giảng nhà giáo GDNN được tổ chức, xin bà cho biết, những điểm mới và ý nghĩa của hội giảng đối với ngành GDNN?

- Đầu tiên tôi xin nói về những điểm mới trong kỳ Hội giảng năm nay. Ban tổ chức muốn lan tỏa thông điệp “Đổi mới, sáng tạo, thích ứng, hội nhập”. Thông điệp này hướng đến mục tiêu cao nhất mà Đảng và Chính phủ đã đề cập đến trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đó là chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, coi đây "chìa khóa" để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trên cơ sở đó, các hoạt động của Hội giảng từ khâu chuẩn bị cho đến khi kết thúc sẽ được thiết kế xoay quanh 2 trục là kết nối và công khai. Kết nối để gắn kết các thành viên hướng tới mục tiêu lớn nhất và công khai để bảo đảm tôn chỉ, mục đích của hội thi, nhất là khi đối tượng tham gia là nhà giáo.  

Đây cũng là dịp để các nhà giáo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của mình. Sau quá trình giảng dạy, tích lũy họ sẽ mang tới Hội giảng những sản phẩm tốt nhất. Ngoài ra thông qua các nhà giáo được giải tại Hội giảng, chúng tôi cũng muốn lan tỏa năng lượng tích cực tới những nhà giáo khác dù họ không tham gia cuộc thi nhưng vẫn có thể theo dõi, học hỏi từ đồng nghiệp để thu thập thêm những phương pháp mới trong giảng dạy, giúp học viên tiếp thu tốt hơn kiến thức.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Ts Nguyễn Thị Việt Hương trả lời các câu hỏi của báo chí
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN TS Nguyễn Thị Việt Hương trả lời phỏng vấn tại họp báo.

- Theo bà, nâng cao kỹ năng cho nhà giáo và chuyển đổi số nhằm nâng tầm kỹ năng lao động có sự gắn kết như thế nào và hỗ trợ nhau ra sao trong triển khai các hoạt động đào tạo?.

- Đây là 1 trong 2 khâu đột phá của chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, vừa được hoàn thiện để trình Chính phủ. Trong chiến lược này chúng tôi đã xác định những mục tiêu chung và mục tiêu của từng giai đoạn 5 năm tới 10 năm. Chúng tôi xác định, phát triển kỹ năng nhà giáo và chuyển đổi số là 2 khâu đột phá là bởi mọi ngành nghề trong xã hội đều chịu tác động của cuộc Cách mạng 4.0 và đặc biệt thị trường lao động cũng có rất nhiều thay đổi ở thời đại này.

Chúng tôi nhận thấy rằng, việc chuyển đổi số với người học sẽ diễn ra rất nhanh và rất dễ tiếp nhận nhưng chuyển đổi số với người dạy lại mang một ý nghĩa khác, không chỉ tác động tới chính họ mà cả học viên, các cơ quan quản lý nhà nước… Vì nhà giáo đang được xác định là trung tâm của quá trình chuyển đổi này.

Cụ thể, khi nhà giáo được hỗ trợ chuyển đổi số thì họ sẽ chủ động thiết kế được bài giảng, kho học liệu cũng như xây dựng được các công cụ đánh giá với người học. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong đào tạo nghề nói riêng và trong phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhà giáo luôn chiếm vai trò quyết định.

Doanh nghiệp phải là ngôi trường thứ hai

- Việc kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo và giảng dạy là một hoạt động thường xuyên của các cơ sở GDNN từ nhiều năm nay. Vậy theo bà, nhà giáo đóng vai trò thế nào trong hoạt động này?

- Thực tế cho thấy, nhiều nhà trường đang gửi học viên đến các doanh nghiệp để thực tập thì chính những chuyên gia của công ty đang làm công việc của nhà giáo. Hay như việc các trường cử giáo viên tới các doanh nghiệp để tập huấn về các công nghệ mới thì nhà giáo lại đóng vai trò như cầu nối để đưa những kiến thức tới các sinh viên của mình.

Tôi cho rằng, việc nắm được công nghệ và truyền đạt cho học viên cách vận hành công nghệ đó là hai vấn đề khác nhau. Vì vậy, nâng cao kỹ năng cho nhà giáo luôn luôn phải là trọng tâm của mọi hoạt động. Chỉ khi họ có khả năng truyền đạt tốt thì mới giúp học viên của mình nắm bắt được các quy trình vận hành công nghệ. Hay nói theo cách khác, công nghệ từ doanh nghiệp và kỹ năng sư phạm của nhà giáo luôn gắn chặt và không thể tách rời.

- Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp là nhà trường thứ hai giúp các học viên nắm bắt được các công nghệ mới trong sản xuất. Mong bà cho biết việc gắn kết nhà trường với doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong phát triển kỹ năng nghề Việt Nam?

Tôi cho rằng, đây không chỉ là mối quan tâm của ngành GDNN mà còn là phương châm của Đảng và Chính phủ. Suy cho cùng, sản phẩm của quá trình đào tạo chính là cung cấp nguồn nhân lực cho các nền kinh tế. Như vậy, người sử dụng lao động luôn là công cụ đo lường chất lượng tốt nhất.

Để có được nguồn nhân lực tốt nhất các cơ sở GDNN, cần có chính sách để người sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này, họ tham gia từ việc xây dựng tiêu chuẩn cho đầu ra đến quy trình đào tạo.

Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, trang thiết bị để giảng dạy của nhà trường có được đầu tư tốt đến đâu thì sự cập nhật cũng không thể so sánh được với thực tế sản xuất của các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, doanh nghiệp tham gia vào công tác này mới đầy đủ được ý nghĩa của GDNN.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã từng nói, cần coi doanh nghiệp là nhà trường thứ hai trong công tác đào tạo. Nắm bắt được vai trò của sự kết nối này, Tổng cục GDNN đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các cơ sở GDNN xây dựng phần lớn thời gian học tập cho học viên tại các doanh nghiệp.

Điều này không chỉ có ý nghĩa với sinh viên mà với nhà trường và giáo viên cũng rất quan trọng bởi chỉ có sự phối hợp này mới mang lại những chương trình học sát với thực tiễn, có tính ứng dụng cao và giúp sinh viên có việc ngay khi ra trường.

- Xin cảm ơn bà!

Tùng Dương