Phương thức hòa giải

Khi nào là sự lựa chọn của doanh nghiệp?

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:41 - Chia sẻ
Hợp đồng xây dựng thường là những hợp đồng có giá trị lớn, không phải mua bán các sản phẩm có sẵn mà hầu hết là các giao dịch trong tương lai nên rất dễ xảy ra tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Chính vì lẽ đó, cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp của các bên.

Thời gian giải quyết kéo dài

Hiện nay, trong lĩnh vực xây dựng có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng giao thông, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp... Hoạt động xây dựng rất phức tạp, tranh chấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đáng chú ý, số lượng các vụ việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng ngày càng tăng, thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, tốn kém về mặt kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Luật sư điều hành Công ty Luật LNT & Partners Hoàng Nguyễn Hạ Quyên cho biết, 40% các vụ tranh chấp mà Phòng Thương mại quốc tế (ICC) thụ lý trong năm 2019 liên quan đến hợp đồng xây dựng. Thời gian giải quyết trung bình 26 tháng cho 1 vụ việc tại ICC, những vụ việc phức tạp có thể lâu hơn rất nhiều. Qua đó, cho thấy tranh chấp trong hoạt động xây dựng xảy ra khá nhiều, quá trình giải quyết phức tạp.

Dễ phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng

Xây dựng là một trong những lĩnh vực rất phức tạp, với nhiều công đoạn, chi tiết, vật liệu cùng những yêu cầu, đòi hỏi khác biệt nên có rất nhiều thay đổi, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đặc biệt, khi phát sinh tranh chấp nếu hai bên không thiện chí, không thỏa thuận được, gây thiệt hại lớn đến kinh tế cho các bên.

Hiện, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng thường xuất phát do vi phạm nghĩa vụ thanh toán; chậm trễ triển khai công trình và gia hạn; chất lượng và khối lượng công việc; bảo lãnh và bảo đảm; trượt giá và điều chỉnh giá… Đơn cử, Trung tâm trọng tài quốc tế ICC vừa giải quyết tranh chấp hợp đồng tổng thầu xây dựng EPE (Thiết kế kỹ thuật - mua sắm - lắp đặt) giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên quan đến một dự án xây dựng nhà máy công nghiệp tại Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa các bên là do chủ đầu tư bị tố chậm trễ trong bàn giao mặt bằng và ban hành Chứng chỉ nghiệm thu tạm thời (PAC), Chứng chỉ nghiệm thu cuối cùng (FAC); nhà thầu bị tố chậm trễ bàn giao bản vẽ thiết kế; chủ đầu tư không ban hành PAC và FAC nên không nghiệm thu được công trình; các ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho nhà thầu tìm lý do từ chối trả tiền bảo lãnh cho chủ đầu tư…

Có thể thấy, nếu các tranh chấp này đã được dự liệu ngay trong hợp đồng thì khi phát sinh các bên sẽ có cơ chế giải quyết, nhưng nếu tranh chấp này chưa được dự liệu trong hợp đồng thì sẽ dẫn tới vụ việc giải quyết kéo dài và gây thiệt hại cho các bên. Theo đó, khi phát sinh tranh chấp cần lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp để giảm thiệt hại và giữ được mối quan hệ giữa các bên.

Cơ chế giải quyết linh hoạt

Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Bizlink, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam Đỗ Trọng Hải cho biết, khi tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng xảy ra, các cơ chế chính thức được sử dụng tại Việt Nam để giải quyết là thông qua hòa giải, trọng tài và tòa án. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, ông Hải khuyến nghị các doanh nghiệp nên quan tâm sử dụng cơ chế hòa giải. Bởi lẽ, đây là cơ chế giải quyết linh hoạt, sáng tạo và nhanh chóng giúp các bên tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, sẽ giúp các bên bảo mật thông tin, duy trì được mối quan hệ và khả năng thi hành tương đối cao khi đây là giải pháp do các bên tự nguyện áp dụng. Đặc biệt, nếu lựa chọn phương thức hòa giải thì vẫn có cơ hội tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng tòa án, nếu hòa giải không thành công.

Hiện, phương thức hòa giải đã được công nhận ở Việt Nam tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Xây dựng năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Theo đó, kết quả hòa giải thành sẽ được lập thành văn bản, được xem xét công nhận và có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Thêm vào đó, Việt Nam đã tham gia Công ước Singapore về hòa giải và công ước này đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20.12.2018 với 46 quốc gia tham gia ký kết và Việt Nam hiện đang là quan sát viên. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù đã có cơ sở pháp lý liên quan đến hòa giải tương đối chặt chẽ nhưng để hạn chế phát sinh tranh chấp, các bên cần soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, mang tính khả thi cao, đúng với điều kiện thực tế, không nên tự ràng buộc mình vào các vấn đề gây khó khăn cho mình. Đồng thời, cần nhờ các luật sư tư vấn trong bước soạn thảo hợp đồng xây dựng và tư vấn pháp lý cho công trình xây dựng, tạo một vành đai pháp lý đầy đủ để bảo vệ cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Đặc biệt, khi phát sinh tranh chấp các bên cần chuẩn bị tốt về nguồn lực tài chính, con người và xác định được các vấn đề pháp lý có liên quan. Đồng thời, cần bảo đảm được nguồn chứng cứ và giá trị của chứng cứ để chứng minh. Bên cạnh đó, trước khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải, các bên cần lưu ý xem xét tranh chấp có thuộc trường hợp cấm hòa giải theo luật, hình thức hòa giải, thỏa thuận điều khoản hòa giải, thời hiệu khởi kiện, lựa chọn tổ chức hòa giải, hòa giải viên…

Nguyễn Ngân