Khi nghị sĩ ngoại giao vaccine

- Thứ Năm, 19/08/2021, 05:58 - Chia sẻ
Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam hơn 501.000 liều vaccine AstraZeneca, nhượng lại 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và viện trợ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 4 triệu USD. Điều thú vị là “tác giả” của sáng kiến chuyển giao vaccine chính là Nhóm nghị sĩ Ba Lan - Việt Nam và Hội Hữu nghị Ba Lan - Việt Nam. 

Thời gian qua, Quốc hội và cá nhân người đứng đầu Quốc hội đã nỗ lực rất lớn trong công tác ngoại giao vaccine. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong các cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện Australia, Chủ tịch Quốc hội Hungary, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga… đều “tranh thủ” ngoại giao vaccine. Đặc biệt, hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Lập pháp vào đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn Brunei trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) 42 sẽ phát huy vai trò của Nghị viện các nước trong khuôn khổ AIPA để thực hiện được chiến lược vaccine ở mỗi nước, tiếp cận nguồn cung hiện đang rất khan hiếm và hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine…

Hiện Quốc hội Việt Nam có 57 nhóm nghị sĩ hữu nghị với nghị viện các nước. Trong số đó, có rất nhiều nhóm nghị sĩ hữu nghị trực tiếp với các nước phát triển như Anh, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển... Với vai trò quan trọng của nghị viện trong chính sách đối ngoại, nếu phát huy được kênh làm việc này, thông qua Nghị viện tác động đến Chính phủ, ngoại giao vaccine chắc chắn sẽ có thêm "cú hích" quan trọng mà thành quả trực tiếp bước đầu trong "câu chuyện Ba Lan" là một ví dụ.

Tất nhiên, cơ chế làm việc sẽ đặc biệt hiệu quả hơn với sự tham gia đồng bộ của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại và Đại sứ quán nước bạn ở Việt Nam. Một cơ chế phối hợp 3 bên đồng bộ: Nhóm nghị sĩ hữu nghị - Tổ công tác ngoại giao vaccine của Chính phủ và Đại sứ quán ở nước sở tại sẽ giúp điều phối, phát huy tốt vai trò và thế mạnh của mỗi bên. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị có thể đóng vai trò "mở đường", nêu sáng kiến; tạo sự ủng hộ của các nghị sĩ có ảnh hưởng đến Chính phủ nước bạn. Tiếp đó, Đại sứ quán nước sở tại là những người tiến hành các công việc và thủ tục cụ thể.

“Câu chuyện Ba Lan’’ đã thể hiện rõ nét cơ chế phối hợp nêu trên. Nhóm nghị sĩ là kênh mở đường, nêu sáng kiến. Đại sứ quán tích cực triển khai các công việc tiếp theo để đạt được kết quả rất cụ thể: số trang thiết bị gồm vaccine và vật tư y tế dự kiến được chuyển về TP. Hồ Chí Minh vào ngày 25.8 và dự kiến sẽ có những thỏa thuận tích cực để chuyển giao các lô tiếp theo trong khoản vaccine còn dư của Ba Lan. 

"Câu chuyện Ba Lan" cũng cho thấy 57 nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước hoàn toàn có thể đóng vai trò tích cực trong việc tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.

Hà Lan