Xem - Nghe - Đọc

Khi "thiên thần (không) hộ mệnh"

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:21 - Chia sẻ
Bên cạnh lý do khách quan (sự trở lại của dịch Covid-19), cá nhân tôi nghĩ bộ phim vừa ra rạp và phải tạm ngừng chiếu của Victor Vũ khó gây bùng nổ phòng vé như kỳ vọng, dù không phải cạnh tranh với bom tấn Hollywood và được làm bởi một nhà làm phim có nội lực mạnh của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Có thể coi Victor Vũ là một đạo diễn nhiều phim nhất Việt Nam. Kể từ "Chuyện tình xa xứ" (2009) đến nay, anh đã cho ra mắt tới 13 bộ phim chiếu rạp trong vòng 12 năm. Trong số các đạo diễn Việt kiều trở về Việt Nam làm phim, cũng có thể anh là đạo diễn thành công nhất về mặt… số lượng và thương mại. 

Tất nhiên, không phải cứ nhiều phim là dở. Alfred Hitchcock, Ingmar Bergman, Woody Allen, Martin Scorsese… đều thuộc dạng này và đều là những bậc thầy của điện ảnh thế giới. Nhưng nếu làm nhiều quá mà chất lượng trồi sụt bất thường, hoặc lặp lại chính mình, hoặc phim sau dở hơn phim trước, hoặc không có gì mới hơn để kể, thì có lẽ, dừng lại một nhịp sẽ tốt hơn. Tôi thấy điều này ở Charlie Nguyễn. Anh tạm dừng làm đạo diễn để chuyển sang làm sản xuất sau một vài bộ phim anh đạo diễn thất bại.

Victor Vũ thì không. Anh nhất quán từ lúc trở về Việt Nam đến giờ, chỉ làm đạo diễn và đạo diễn. Sự nhất quán đó khiến anh trở thành đạo diễn làm việc năng suất và hiệu quả nhất trong giới làm phim hiện nay. Nhưng mặt khác, tốc độ đều đặn của anh khiến chất lượng phim trồi sụt bất thường. Một số thành công và có tính chất khai phá thể loại (ở thị trường Việt Nam) như Scandal 1, Cô dâu đại chiến, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc. Một số khác lại rơi vào trạng thái nửa vời, chúng không hẳn là dở, và tất nhiên không bao giờ rơi vào thảm họa; nhưng chúng gây cảm giác là đạo diễn làm vội, chín ép, lặp lại (mà dở hơn) hoặc thể nghiệm thể loại (mà không tới). Cô dâu đại chiến 2, Scandal - Hào quang trở lại, Lôi Báo, Người bất tử nằm trong số này. Và rất tiếc, Thiên thần hộ mệnh cũng không là ngoại lệ.

Nếu nhìn ở yếu tố giải trí, Thiên thần hộ mệnh là một bộ phim đáp ứng được yếu tố này. Victor Vũ tiếp tục chứng tỏ anh là một đạo diễn am hiểu thị hiếu khán giả và thị trường điện ảnh Việt Nam. Phim của anh hiếm khi lạc thời. Các chất liệu sử dụng cũng đều rất hợp xu hướng của giới trẻ, từ chuyện hậu trường showbiz, thế giới bùa ngải tâm linh, sự trả giá cho hào quang và danh vọng… 

Victor Vũ đã thành công với Scandal - Bí mật thảm đỏ, nhưng tụt dốc với Scandal - Hào quang trở lại và tiếp tục… tụt thêm một bậc nữa với Thiên thần hộ mệnh. 

Cho dù phần hình ảnh trong phim vẫn rất "nuột", rất nịnh mắt (thứ làm nên thương hiệu điện ảnh của Victor Vũ), và phải công tâm mà nói, nếu coi điện ảnh là một sản phẩm giải trí, thì Thiên thần hộ mệnh là một sản phẩm không tồi. Nhưng nếu định vị nó là một tác phẩm điện ảnh của một đạo diễn có tay nghề, có kinh nghiệm, và ít nhiều có phong cách cá nhân, thì đây là một tác phẩm thất bại. 

Nguồn: ITN

Bộ phim có một lớp vỏ hình thức hào nhoáng và bóng bẩy, dàn diễn viên trẻ bắt mắt và hợp thời. Phải công nhận là Victor Vũ luôn là một đạo diễn có con mắt casting và sẵn sàng mạo hiểm với gương mặt mới. Nhưng ngoài những yếu tố tạo được sự hấp dẫn về mặt đề tài, sự nịnh mắt về mặt thiết kế bối cảnh hay sự tươi mới của dàn diễn viên trẻ, Thiên thần hộ mệnh bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế về khai thác chất liệu kịch bản, nhiều chi tiết hở sườn, phi logic, không tạo được “make sense” (cảm giác không hợp lý, thuyết phục) - một điểm yếu mà hầu hết các bộ phim Việt Nam đều mắc phải. Những điểm hạn chế này thường khiến cho người xem có cảm giác cụt hứng và không còn cảm giác tin vào những điều mà đạo diễn kể. Trong đó, điểm hạn chế đầu tiên (và quan trọng nhất) là khai thác thể loại. 

Victor Vũ đã từng thành công với Scandal 1 thuộc thể loại psychological thriller (phim kinh dị tâm lý). Với Thiên thần hộ mệnh, anh chuyển hướng sang horror/thriller (kinh dị/ ly kỳ). Nhưng cuối cùng, cả hai thể loại này đều không được khai thác tới tầm, dẫn đến sự khiên cưỡng về thể loại và sự thiếu thuyết phục về mặt dẫn dắt tâm lý nhân vật. 

Trước khi xem phim, tôi có chút kỳ vọng anh sẽ khai thác chất horror (kinh dị) quyết liệt hơn hầu hết những bộ phim thuộc dòng horror nửa vời của điện ảnh Việt Nam (vốn đang nở rộ gần đây). Hoặc ít nhất cũng khai thác được sự cuồng tín của những kẻ tin vào bùa ngải, tin vào một thứ tâm linh ma thuật huyền bí nào đó, nhưng xem xong thì biết nó tiếp tục là một thứ horror giả cầy.

Horror thì giả cầy, còn thriller (ly kỳ) thì quá non và vụng. Một vụ tung clip sex lên mạng, lại khiến một ca sĩ hạng A phải tự sát như trên phim, thì ngoài đời, an ninh mạng Việt Nam chỉ cần vài ngày là tìm ra hung thủ ngay nhưng trong phim thì đến 6 tháng sau, vụ án đơn giản này vẫn chìm xuồng, còn hung thủ vẫn ngồi rung đùi hù dọa tiếp nạn nhân thứ 2 khiến cô này phải nhờ đến bùa ngải để báo thù.

Các chất liệu được khai thác trong phim thì cũ đến mức tại sao đến bây giờ mà điện ảnh Việt Nam vẫn sử dụng những chất liệu quê mùa đó. Cứ sinh viên thì y như rằng là thiếu tiền điện, chưa đóng tiền nước, cho dù các cô rất sành điệu, làm ca sĩ hát bè cho ca sĩ hạng A, và biết livestream với người hâm mộ. Rồi nữa, tại sao đến giờ này vẫn tiếp tục có những tay chơi sành sỏi hẳn hoi lại còn chơi trò đánh thuốc mê vào rượu rồi quay clip như những tay chơi hết thời? Tôi những tưởng những chất liệu kiểu này đã phải chết theo dòng phim mì ăn liền từ thập niên 90 rồi chứ! Và tại sao nạn nhân lại bị qua mặt, bị bắt nạt và thao túng dễ dàng thế? 

Những câu hỏi tại sao bật ra trong đầu làm chặn đứng cảm xúc của tôi khi xem. Và càng về cuối, càng nhiều câu hỏi được bật ra. 

Cả dàn nhân vật và diễn viên của bộ phim, không một nhân vật hay diễn viên nào đủ sức nặng để thuyết phục hoặc để nhớ (điều mà Scandal 1 làm rất thành công với vai diễn của Maya, và phần nào đó cả Vân Trang). 

Sai lầm lớn nhất của bộ phim là nhân vật nữ chính. Tại sao lại xây dựng một nhân vật linh hồn của bộ phim mà ta không thể đồng cảm với bất cứ điều gì cô ta làm? Tại sao lại biến nhân vật nữ chính lại yếu nhược, đớn hèn, và thụ động đến thế?

Và câu hỏi lớn nhất của tôi là tại sao đến giờ này rồi mà phim ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục phạm vào những cái lỗi cơ bản của “The Male gaze theory” (Lý thuyết về cái nhìn của nam giới) mà nhà lý thuyết về điện ảnh nữ quyền Laura Mulvey đã chỉ ra từ thập niên 70, cho dù tôi biết, đó chỉ là sự vô tình. 

Nhưng cho dù vô tình đi nữa, cũng khó mà đồng cảm với một bộ phim ra mắt năm 2021 vẫn tiếp tục đi theo lối mòn: mọi trách nhiệm bị đổ lên đầu nạn nhân bị tấn công tình dục, biến họ trở thành những kẻ thua cuộc ngay từ đầu (tự sát) hoặc phải tìm đến bùa ngải để báo thù và dọn đường cho tham vọng?

Tại sao Promising Young Woman lại được ca ngợi đến vậy và đoạt giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất? Đơn giản là bộ phim đầu tay này của nữ biên kịch và đạo diễn Emerald Fennell đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ trước cơn sốt metoo, cho dù đó là một cái nhìn cực đoan đi nữa. 

Và tại sao đến giờ điện ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục khai thác những chất liệu và sử dụng chúng như những năm 1990 như vậy, cho dù chúng khoác một lớp vỏ hào nhoáng và bóng bẩy đến thế?

Bảo Khánh