Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội:

Khó áp dụng

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 07:22 - Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị làm rõ thêm một số nội dung trong Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khó quy lỗi đối tượng bị phạt

Thống kê đến đầu tháng 4.2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 16 triệu người (đạt 32,17% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 15 triệu người, giảm trên 161.000 người so với cuối năm 2020; trên 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm gần 39.000 người so với hết năm 2020.

Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 15.4.2020. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi, hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội… Quy định này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Tuy nhiên, sau một năm có hiệu lực, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, có nhiều quy định rất khó có thể quy lỗi đối tượng bị phạt.

Đơn cử, tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn gặp một số vướng mắc. Trong khi đó, “Người sử dụng lao động” tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, quy định bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Chính vì thế, các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội khó quy lỗi cho cá nhân là người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức.

Khó nhận diện được hành vi

Thực tế, dù quy định người chủ sử dụng lao động phải ký kết và đóng bảo hiểm xã hội cho lao động giúp việc đã được Bộ Luật Lao động quy định khá chi tiết song đến nay, chưa quy định nào được triển khai khả thi. Theo Luật sư Ngô Thu Trang (Đoàn Luật sư Hà Nội), “Bộ Luật Lao động 2019 quy định chỉ có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Như vậy, khi ký hợp đồng lao động, chủ nhà phải mua bảo hiểm và bảo đảm các quyền lợi cho người giúp việc. Hiện nay, việc đưa quy định này vào đời sống rất khó. Việc xử lý càng khó hơn vì ngành chức năng rất khó nhận diện được những hành vi vi phạm vì người lao động thỏa hiệp vì không muốn xảy ra tranh chấp”.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Trần Đức Long cho rằng, ngăn chặn những hành vi vi phạm, trục lợi bảo hiểm xã hội thì việc kiểm tra và xử phạt là giải pháp hiệu quả. Chính vì vậy, cần có những quy định cụ thể làm rõ khái niệm đối tượng xử phạt cũng như mức xử phạt. Trong Công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất cần quy định rõ hơn về hình thức phạt tiền quy định tại Điều 38, Nghị định số 28/2020. Cụ thể, ngoài phạt tiền đối với tổ chức vi phạm, cần quy định rõ việc đồng thời phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó ở mức độ phù hợp để gắn với trách nhiệm của cá nhân trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân khi thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 1, Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo là một trong hai hình phạt chính đối với hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội và về thẩm quyền xử phạt của cơ quan bảo hiểm xã hội đã được quy định cụ thể tại Điều 53 của nghị định này. Việc áp dụng hình thức xử phạt này được thực hiện theo quy định tại Điều 22 về hình thức xử phạt cảnh cáo và Điều 9 về các tình tiết giảm nhẹ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Công văn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ, “vì Nghị định chưa quy định cụ thể nên việc áp dụng trên thực tế còn có những bất cập. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị quy định cụ thể các trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội để đảm bảo tính răn đe cũng như tạo điều kiện cho đơn vị đã khắc phục hậu quả trước và trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung vào Khoản 1, Điều 3 và sửa tên Điều 3 thành: Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng khi xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội để dễ dàng hơn trong áp dụng pháp luật’.

Thái Yến