Khó đáp ứng dấu đỏ, chữ ký tay trong dịch bệnh

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:24 - Chia sẻ
Một số địa phương yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy tờ có dấu đỏ và chữ ký tay khi thực hiện thủ tục hành chính nhưng trong dịch bệnh việc này rất khó khăn vì shipper và bưu tá không hoạt động. Nêu ví dụ này, Giám đốc Ahamove mong muốn các cơ quan quản lý mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp tối đa.

Nhiều nơi chưa chấp nhận chữ ký số

Tại tọa đàm “Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới” ngày 16.9, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, với các nền tảng công nghệ hiện nay, kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng thời gian qua đã có bước tiến mạnh mẽ. Từ 2016 đến nay, thương mại điện tử của nước ta tăng trưởng trung bình 25 - 30%/năm. Không chỉ vậy, tất cả các ngành nghề đều đang tận dụng nền tảng số trong hoạt động quản lý, kinh doanh của mình.

Ông James Dong, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết, ngay trong giãn cách xã hội, số người bán cũng như số đơn hàng trên Lazada tăng gấp 3 so với cùng kỳ. Shopee trong quý II tiếp tục thống trị bản đồ thương mại điện tử khi đón 73 triệu lượt truy cập, tăng mạnh so với 52,5 triệu lượt của cùng kỳ năm trước.

Tuy chuyển đổi số được xác định là “chuyện sống còn” của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới và trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã gặt hái một số thành công song khó khăn hiện nay cũng không ít.

Ông Phan Tường Bách, Giám đốc vận hành Công ty CP Dịch vụ tức thời (Ahamove) cho biết, về thủ tục hành chính, một số tỉnh, thành phố yêu cầu công ty phải cung cấp giấy tờ có dấu mộc đỏ và chữ ký tay. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, việc này rất khó khăn bởi shipper và bưu tá đều không hoạt động. Ahamove cũng như các doanh nghiệp logistics có quy mô hoạt động trên toàn quốc gặp nhiều trở ngại khi tại mỗi tỉnh, thành phố lại có luồng thông tin và cách làm việc khác nhau, chính sách không thống nhất.

Từ đó, ông Bách kiến nghị, không chỉ lĩnh vực logistics mà tất cả ngành nghề đều mong các cơ quan quản lý sớm cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Bên cạnh đó phải chuyển đổi số cả trong quản lý nhà nước, ví dụ công nhận cấp giấy phép điện tử và sử dụng chữ ký số, bởi hiện có một số cơ quan, tỉnh, thành phố chưa chấp nhận hình thức này.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Giao hàng là thử thách lớn

Các sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng dịch vụ đến với người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng. "Mua bán trên mạng tốt nhưng giao được hàng đến tay người tiêu dùng lại là thử thách rất lớn", Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh nói. Ông mong muốn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các shipper hoạt động.  “Ở thời điểm hiện tại, một số nơi vẫn phải đối mặt với giãn cách thì nên có cơ chế đặc biệt cho thương mại điện tử và đội ngũ shipper để có thể vận hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn”.

Tương tự, ông James Dong, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam và Thái Lan cũng khuyến nghị, cần bảo đảm quá trình vận hành trơn tru trong chuỗi cung khi chuyển dịch sang điều kiện bình thường mới.  

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử, thời gian tới sau khi kiểm soát được dịch và có kế hoạch sống chung với dịch, chúng ta sẽ đón nhận làn sóng mới thương mại điện tử. Điều này phụ thuộc vào các hỗ trợ về mặt chính sách cũng như thúc đẩy thị trường thương mại điện tử của Trung ương và địa phương.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Minh Trang