Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Khó khăn, thách thức đang chờ phía trước!

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:13 - Chia sẻ
“Hiện nay bảng điện tử đã có 47 đại biểu đăng ký…” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin như vậy trước khi bắt đầu phần chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội với lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Linh hoạt, kịp thời, bảo đảm những nhiệm vụ trọng tâm

Ảnh: L. Hiển

Đây cũng là một trong những nhóm vấn đề có số lượng đại biểu đăng ký ban đầu nhiều nhất trong số 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai. Điều này phần nào cho thấy mối quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân cả nước, mà người đại diện là các đại biểu Quốc hội, với lĩnh vực có tầm bao phủ rộng, liên quan trực tiếp đến hầu hết các gia đình trên khắp dải đất hình chữ S. Nhất là trong bối cảnh, gần 2 năm qua, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, thì sự quan tâm đó là hoàn toàn dễ hiểu. Phiên chất vấn vì thế thu hút sự quan tâm của không chỉ đại biểu Quốc hội mà cả các bậc phụ huynh, học sinh và sinh viên... trên cả nước.

Như chia sẻ rất cầu thị, trách nhiệm và cũng đầy tâm trạng của “tư lệnh ngành” giáo dục - đào tạo trong phát biểu trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, đó là “kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi. Thầy cô cực nhọc và áp lực. Phụ huynh bức xúc. Xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, cả những việc đau lòng đã diễn ra, khó có thể kể xiết”.

Và, những tác động tiêu cực đó, như đánh giá rất thấu đáo với tầm nhìn xa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì “không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Trong bối cảnh đầy khó khăn và thử thách đó, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần đồng cảm với Bộ trưởng, chân thành chia sẻ với những khó khăn, thử thách, thậm chí là cả những áp lực tâm lý mà ngành giáo dục và đào tạo đang phải đối mặt. Dù còn đó nhiều điều chưa thể hài lòng và không thể bằng lòng với lĩnh vực được giao sứ mệnh rất lớn - chăm lo, ươm mầm và đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước, các chất vấn của đại biểu cho thấy tinh thần công tâm, khách quan, “không tô hồng mà cũng không bôi đen” những nỗ lực cùng tinh thần chủ động của toàn ngành giáo dục trong việc chuyển trạng thái dạy và học sang trực tuyến, thích ứng, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh. “Thời gian qua, trước tác động của dịch Covid-19, ngành giáo dục đã có những thích ứng rất linh hoạt, kịp thời, bảo đảm những nhiệm vụ trọng tâm và được xã hội đánh giá cao. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã thể hiện tinh thần vượt khó bằng tâm nghề nghiệp rất đáng trân trọng”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đánh giá.

Chia sẻ và đồng cảm, nhưng không có nghĩa là dễ dãi, hay xuê xoa. Ghi nhận những cố gắng, kết quả đạt được, tuy nhiên, “trong công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành, địa phương cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Qua đợt ứng phó dịch lần thứ 4 vừa rồi, Bộ trưởng nhận thấy, trong công tác quản lý, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo có vấn đề gì cần khắc phục, điều chỉnh? Dự báo trong thời gian tới, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp ổn định lâu dài. Vậy, Bộ có định hướng gì để bảo đảm chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, giáo viên về lâu dài?” (chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh).

“Nhiều cử tri phản ánh rằng, trong các bộ sách giáo khoa, Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào và đâu là giải pháp khắc phục?”, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu câu hỏi.

“Hiện nay, có số lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng đào tạo tại một số trường đại học đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội. Trách nhiệm, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm như thế nào? Nhiều cử tri cho rằng, việc cho trẻ em lớp 1 học trực tuyến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, làm khó khăn nhiều mặt cho các bậc phụ huynh. Quan điểm, giải pháp của Bộ trưởng như thế nào nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp - ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An) hỏi.

Trực diện vào tồn tại của ngành, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) ngắn gọn: Bao giờ Bộ ban hành Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khi Thông tư này đã chậm cho đến nay là 6 năm?...

Liên tiếp những câu hỏi của đại biểu dồn dập đưa ra với “tư lệnh ngành” giáo dục ngay khi bắt đầu phiên chất vấn.

Tự tin, trả lời kỹ lưỡng

“Chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mở đầu phần trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh. Theo Bộ trưởng, “sau sự chống chọi, ứng phó với dịch bệnh cũng có rất nhiều điều mà chúng ta nhìn ra. Nhưng trước khi nhìn ra một vài những điểm cần sửa chữa, bổ khuyết, thì tôi phải nói ngay một điều là qua ứng phó với dịch bệnh, điều đáng mừng nhất là, nhìn ra sức mạnh và niềm tin được củng cố rất nhiều từ sự nhiệt thành, tận tụy, hy sinh của đội ngũ hơn một triệu giáo viên, của các cán bộ quản lý. Trong gian khó của việc dạy học trực tuyến, của ứng phó với dịch bệnh nhưng các thầy, các cô không kêu ca, trên các diễn đàn và các nhóm, không nhiều các ý kiến phàn nàn. Đó là điều rất tích cực. Các thầy, các cô sáng tạo vô cùng. Nổi lên một yếu tố rất quan trọng, đó là tinh thần tốt, sự tận tâm và củng cố thêm cho chúng ta niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo cũng như là giáo viên”.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã hết sức cố gắng, anh em cán bộ các vụ, cục rất tận tình và trách nhiệm, tuy nhiên qua dịch bệnh chúng ta cũng nhìn thấy một số điều mà chắc chắn trong thời gian tới chúng ta phải điều chỉnh để làm tốt hơn”. Đó là phương diện thể chế, các chế độ, chính sách khi áp dụng vận hành trong những tình trạng ứng phó dịch bệnh, nhiều văn bản quản lý, nhiều chế độ, chính sách cũng còn bộc lộ những điểm khiếm khuyết. Đó là phương diện quản lý nhà nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, giám sát, mặc dù “Bộ đang làm tốt, nhưng khả năng để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, với các trạng thái an ninh phi truyền thống, thì về nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần không chỉ cơ quan Bộ mà cả hệ thống phải làm nhiều việc hơn nữa”. Đó là trong việc ban hành chính sách, giữa yếu tố chung cả nước thì phải chú ý nhiều hơn đến tính đa dạng, tính đặc thù của các vùng miền và các chính sách, các văn bản quy định hướng dẫn phải phù hợp với thực tế…

Không chỉ nhìn ra những vấn đề cần điều chỉnh để làm tốt hơn - những giải pháp ở thì “tương lai”, một số nội dung Bộ trưởng đã có câu trả lời ở thì “hiện tại”: Việc xây dựng Thông tư quy định về việc dạy văn hóa trong các trường nghề, thay thế cho Thông tư số 16, “đã được hoàn thành, hiện đang đăng trên mạng để lấy ý kiến và theo quy định hết tuần tự số ngày chúng tôi sẽ ban hành; việc này có thể hoàn thành sớm nhất”, Bộ trưởng khẳng định.

Đương nhiên, với lĩnh vực rộng, phức tạp, lại liên quan đến lĩnh vực rất quan trọng - "dạy người", cho nên cũng có một số đại biểu chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng và giơ biển tranh luận. “Tôi muốn Bộ trưởng nói rõ hơn xung quanh vấn đề sách giáo khoa. Nhiều cử tri cho rằng sách giáo khoa hiện nay vẫn còn rất nhiều lỗi và sạn. Ý kiến Bộ trưởng thế nào? Có thấy ý kiến đó là đúng không? Nếu đúng thì Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này và nâng cao chất lượng của sách giáo khoa” - tranh luận của ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương).

Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn và trách nhiệm, Bộ trưởng đã có những giải trình cụ thể và những chỉ đạo đưa ra trong thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị “tư lệnh ngành” giáo dục và đào tạo chưa lâu. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đăng đàn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Tuy nhiên, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng “đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, trả lời kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tranh luận…”. Và một trong những điểm sáng trong phần trả lời “kĩ quá nên hơi dài” của Bộ trưởng, đó là không chỉ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, mà người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, Bộ "đã tính toán nắm nhu cầu, có cơ sở dữ liệu đầy đủ…, cũng đã xây dựng một phương án đề xuất gói hỗ trợ và đang trình Chính phủ xem xét”. Theo đó, để “hỗ trợ cho cả người lao động và hỗ trợ cho cả các cơ sở, thì tổng số ngành giáo dục đang đề xuất là một gói hỗ trợ trên 800 tỷ đồng”.

Dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Cả nước đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Với sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn, tình hình kinh tế - xã hội sẽ dần phục hồi và tiếp tục phát triển.

Nhưng với ngành giáo dục và đào tạo, như trải lòng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đó là “lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức còn nguyên, thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước”.

Ngành giáo dục và đào tạo còn nhiều việc phải làm để có thể "đổi mới căn bản và toàn diện", đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. 

Lam Giang