Khó khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại về môi trường

- Thứ Bảy, 06/07/2013, 08:47 - Chia sẻ
Khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại (BTTH) bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường là quyền của cá nhân, tổ chức đã được pháp luật Việt Nam quy định và thừa nhận nhằm đáp ứng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Thế nhưng, trên thực tế việc khởi kiện yêu cầu BTTH về môi trường đang gặp phải những khó khăn nhất định, trong đó có rào cản về chính sách pháp luật.

Nguồn: giaiphapmoitruong.com
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhìn vào thực tiễn giải quyết các vụ việc đòi BTTH bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể nhận thấy những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ chính những “khoảng trống” của pháp luật. Ts Vũ Thu Hạnh, ĐH Luật Hà Nội nhận định, pháp luật chưa có quy định cụ thể về quyền khởi kiện đòi BTTH đối với môi trường tự nhiên nên sự gắn kết giữa quyền khởi kiện của Nhà nước, của các tổ chức đại diện lợi ích công cộng bị xâm phạm với quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức bị xâm hại chưa chặt chẽ. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại rơi vào tình trạng “đơn thương độc mã” trong việc thực hiện quyền khởi kiện của mình.

Bên cạnh đó, sự thiếu rõ ràng về thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH trong lĩnh vực môi trường cũng dễ sinh ra nhầm lẫn, sai lệch. Điều 160 của Bộ Luật dân sự (2005) quy định “Không  áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đối với trường hợp yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước; yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm hại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Thế nhưng, cũng theo bộ luật này tại Điều 607 lại quy định “thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm hại”. Những quy định này đã không xác định rõ thời hiệu được áp dụng đối với những thiệt hại nào nên sẽ dẫn đến các cách hiểu khác nhau như thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH về môi trường là 2 năm áp dụng đối với mọi loại thiệt hại, gồm cả về tài sản, tính mạng và sức khỏe hoặc hiểu theo cách khác, coi yêu cầu đòi BTTH đối với tính mạng và sức khỏe được xem là yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Đơn cử, cùng là thiệt hại về vật chất nhưng nếu xem nguồn lợi thủy sản là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước theo chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai như rừng núi, sông hồ, tài nguyên thiên nhiên thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH, song nếu xem sự suy giảm nguồn lợi thủy sản là những tổn hại về lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà đáng lẽ họ có được nếu môi trường biển không bị ô nhiễm thì thời hiệu đòi BTTH là 2 năm. Quan trọng hơn, thời hiệu 2 năm chỉ phù hợp với những thiệt hại phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm pháp luật còn đối với những thiệt hại gián tiếp từ sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự nhiên, thời gian bộc lộ hết các thiệt hại trên thực tế thường kéo dài hơn. Thông thường pháp luật các nước và thông lệ quốc tế xác định thời hiệu khởi kiện đòi BTTH về tính mạng, sức khỏe do ô nhiễm môi trường gây nên là 10 năm. “Đây là khoảng thời gian được xem là phù hợp để thiệt hại thực tế về tính mạng, sức khỏe của người dân do ô nhiễm môi trường gây nên được bộc lộ rõ ràng, có căn cứ” - một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Sự thiếu vắng các quy định của pháp luật nhằm giám sát thu thập, lưu giữ số liệu chứng cứ về ô nhiễm, suy thoái môi trường cũng như những hạn chế về khả năng tài chính để người bị hại tự chứng minh các tác động của môi trường tới tài sản, tính mạng của họ cũng là rào cản. Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 đã xác định: “các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Theo quy định này, người bị hại có nghĩa vụ phải chứng minh họ đã và đang bị thiệt hại và thiệt hại đó do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường, thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản luôn là thiệt hại gián tiếp, phát sinh từ thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Thực tế để chứng minh được những thiệt hại do tác động môi trường cũng không dễ dàng. Hơn nữa, cũng không ít chuyên gia băn khoăn đặt câu hỏi: BTTH sẽ được áp dụng cụ thể theo quy định của pháp luật nào khi chế tài, hướng dẫn về việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra chưa rõ ràng?

Thực tế, nếu áp dụng cách tính thiệt hại như theo quy định hiện hành thì thiệt hại về tài sản trong lĩnh vực BVMT mới chỉ dừng lại ở việc xác định giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng mà chưa xác định được thiệt hại về lợi ích gắn với việc sử dụng khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Tương tự, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cũng mới chỉ được tính thông qua những chi phí hợp lý cho việc cứu chữa bệnh mà chưa tính tới những chi phí cho việc bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút hay các khoản thu nhập thực tế bị mất.

Hương Thu