Khó kiểm soát và xử lý rác điện tử

- Thứ Bảy, 09/06/2012, 08:36 - Chia sẻ
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 - 50 triệu tấn rác điện tử được thải ra, dự báo đến năm 2025, con số đó sẽ tăng gấp 9 lần và phần lớn được đổ vào các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Điều đáng nói là việc kiểm soát và xử lý loại rác thải độc hại này tại Việt Nam không hề dễ dàng.

Khó kiểm soát số lượng

Thống kê mới đây cho thấy, số lượng rác điện tử hiện nay đang tăng lên theo cấp số nhân. Mỗi năm thế giới thải ra khoảng 20 - 50 triệu tấn, trong đó châu Âu chiếm khoảng từ 9 - 10 triệu tấn, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên khoảng 9 lần và phần lớn được đổ vào châu Á trong đó có Việt Nam. Ở nước ta hiện rất khó kiểm soát đang có bao nhiêu tấn rác thải điện tử, nhưng theo nhiều chuyên gia con số này không hề nhỏ và tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Đa số các sản phẩm điện tử ở nước ta thường có tuổi thọ thấp, chỉ khoảng 3 - 5 năm trong khi người dân có tâm lý chạy đua với công nghệ, bỏ đi những sản phẩm đã cũ nhưng còn sử dụng được. Điều đó lý giải vì sao lượng rác điện tử được thải ra từ các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình tăng lên đáng kể.



   Nguồn: phapluattp.vn

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng làm số lượng rác thải điện tử tăng là do một số doanh nghiệp trong ngành điện tử vì lợi nhuận đã nhập rác thải từ nước ngoài về để tái chế và bán. “Thực tế cho thấy, việc kiểm soát những trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu rác điện tử không hề dễ dàng đặc biệt tại cảng Hải Phòng, rất khó kiểm tra và xác định một chiếc máy tính nhập về từ nước ngoài là sản phẩm cũ hay rác thải”, một chuyên gia chia sẻ.

Khó xử lý và quản lý

Lượng rác thải tăng lên rất nhanh như vậy, nhưng việc xử lý hiện nay chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân thuộc về các cá nhân, hộ gia đình với cơ sở xử lý nhỏ bé và hoạt động không hợp pháp. Quá trình xử lý rất thủ công theo những phương thức lạc hậu chỉ bằng những công cụ thô sơ trong khi có rất nhiều chất độc hại sẽ dễ dàng thoát ra môi trường. Phần lớn những đơn vị xử lý rác thải đều không nhận thức rõ được tác hại của việc tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay chôn lấp. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiêu hủy bằng phương pháp đốt sẽ gây ô nhiễm không khí, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu hủy mà còn gây tác động xấu tới người dân sống quanh khu vực đó. Tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp sẽ khiến các chất độc hại ngấm vào mạch nước ngầm trong khi phải tới hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm mới phân hủy hết loại rác này.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam Trần Quang Hùng cho rằng: bản thân rác điện tử không độc hại nhưng các hóa chất có trong các thiết bị điện, điện tử bị thải bỏ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường khi tháo dỡ hoặc xử lý chúng. Trông có vẻ văn minh nhưng độc hại hơn rất nhiều so với rác thải thông thường. “Điều đáng lưu tâm là hiện vẫn chưa có một cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp lớn nào đứng ra thu gom và xử lý” - ông Hùng nhấn mạnh.

Xử lý đã khó, quản lý rác thải điện tử cũng không dễ dàng khi văn bản liên quan đến vấn đề này còn khá nghèo nàn chỉ mới có 2 thông tư quy định. Trong đó Thông tư số 30/2011/TT-BCT quy định tạm thời về hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử và mới đây, Bộ TN - MT đã ra dự thảo, lấy ý kiến và chuẩn bị trình Thủ tướng ban hành “Quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm thải bỏ”, trong đó gồm một số loại sản phẩm điện tử như: ắcquy, đèn pin, bóng đèn compact và huỳnh quang, máy vi tính, máy in… Cái khó cho các cơ quan quản lý còn thể hiện ở chỗ mặc dù trách nhiệm thu hồi một số loại sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ được Luật Bảo vệ môi trường 2005 đề cập tới nhưng cho tới nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Cần những giải pháp tổng thể

Xử lý rác thải điện tử hiệu quả được xem là mục tiêu cơ bản của công nghệ thông tin xanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, để việc xử lý rác điện tử không gây ô nhiễm môi trường, trước mắt phải xác định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối, đại lý thu gom, nơi tháo dỡ, nơi tái chế và khách hàng trong chuỗi giá trị rác điện tử. Theo đó, các nhà sản xuất phải có trách nhiệm hạn chế những thiết bị kém chất lượng mà chứa nhiều chất độc hại. Bên tháo dỡ cũng cần bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh cũng như an toàn bảo hộ cho người lao động.

Trách nhiệm của khách hàng cũng được đặt ra. Theo Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông: “người tiêu dùng cần phải có sự thông minh, tỉnh táo trong việc lựa chọn công nghệ, nếu lựa chọn quá nhiều các sản phẩm không cần thiết sẽ tạo thêm gánh nặng cho công tác xử lý rác thải”. Hơn nữa, “cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc buộc người tiêu dùng phải trả phí cho các đơn vị xử lý rác điện tử để giảm thiểu tình trạng số lượng rác thải tăng theo cấp số nhân” - ông Trần Xuân Phong, Bộ TN - MT góp ý.

Thiết nghĩ, cần hoàn thiện quy định của pháp luật đặc biệt là bổ sung những điểm còn thiếu như nhập khẩu; trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền về rác thải điện tử trong Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng văn bản quy định cụ thể về thủ tục cấp phép cho các nhà sản xuất, phân phối, thu gom, tháo dỡ và tái chế; thủ tục đăng ký, tái đăng ký cho các cơ sở tái chế để việc quản lý, kiểm soát và xử lý rác thải điện tử đạt hiệu quả cao và không gây ô nhiễm môi trường.

Thu Trang