Khó mấy cũng phải làm!

- Thứ Ba, 08/06/2021, 06:21 - Chia sẻ
Phải sản xuất bằng được vaccine phòng Covid-19 để chủ động lo cho người dân. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 vào sáng qua.

Tiêm chủng để nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng là cách chống dịch tốt nhất. Bởi vậy có đủ vaccine phòng Covid-19 và hướng đến chủ động sản xuất được vaccine là mong muốn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khi dịch bùng phát lần thứ 4, người đứng đầu Chính phủ đã đề cập đến cách tiếp cận mới trong chống dịch là chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công. Theo đó, ông yêu cầu thực hiện bằng được chiến lược vaccine với tinh thần thần tốc hơn nữa, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Chiến lược vaccine này gồm 2 trụ cột. Một là, phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất. Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước, như vậy mới chủ động trong thực hiện chiến lược vaccine.

Ở trụ cột thứ nhất, các cơ quan chức năng đang triển khai rất tốt. Hai trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine mà Bộ Y tế bền bỉ thực hiện gần một năm qua đã giúp Việt Nam có được 130 triệu liều vaccine phòng, chống Covid-19. Không dừng ở đó, Bộ đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt được mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng ngay trong năm nay. Và để có nguồn lực mua vaccine, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã được thành lập và vận hành một cách nhanh chóng. Đến 11 giờ ngày 7.6 đã có 195.833 tổ chức và cá nhân góp vào Quỹ 1.349 tỷ đồng. Nếu tính cả 4.611,88 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền thì Quỹ hiện có 5.906,88 tỷ đồng - chỉ chục ngày sau khi Bộ Tài chính công bố tài khoản tiếp nhận và chưa đầy 2 ngày sau lễ ra mắt.

Với trụ cột thứ hai, Việt Nam thực tế đã có sự chuẩn bị khá sớm. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, các đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước đã chủ động đánh giá năng lực, điều kiện nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng SARS-CoV-2. Cả nước hiện có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau và tất cả đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sớm hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. 

Trong khi các công ty sản xuất vaccine trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm còn nguồn cung vaccine ở nước ngoài lại khan hiếm, Bộ Y tế đã tính tới phương án chuyển giao công nghệ. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ mRNA (một trong những loại vaccine giúp cơ thể phòng ngừa Covid-19 đầu tiên đã được phép sử dụng tại Mỹ) để sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Sản xuất vaccine phòng Covid-19 là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, dù theo cách chuyển giao công nghệ hay tự nghiên cứu và sản xuất. Khó bởi đây là việc liên quan sinh mệnh, sức khỏe con người. Khó bởi dịch bệnh mới xuất hiện, lại liên tục biến chủng. Khó còn bởi các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho quả trình thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 chưa phải đã đủ đầy. Ví dụ nước ta chưa có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 3 cho nghiên cứu thử thách trên động vật, trong khi đây là khâu rất quan trọng để xác định xem vaccine ngừa Covid-19 có khả năng bảo vệ hay không và là cơ sở quan trọng để xác định liều dùng trên người.

Dù vậy, như người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đây là việc khó đến mấy cũng phải làm nếu muốn giành được thế chủ động không chỉ trong cuộc chiến chống Covid-19 mà còn với nhiều loại dịch bệnh có thể xuất hiện trong tương lai.

Ngành y tế nước ta hiện sản xuất được vaccine phòng 16 loại bệnh. Hệ thống Quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận. Kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất vaccine chúng ta có! Chúng ta cũng có những cam kết ở tầm Chính phủ như Thủ tướng nói trong cuộc họp hôm qua. Đó là quyết tâm tháo gỡ bằng được các vướng mắc về mặt pháp lý; có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine. Trong nghiên cứu, thí điểm có thể có những rủi ro, Đảng, Nhà nước sẽ bảo vệ những người không có động cơ xấu, không vì tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… Đây chính là cơ sở của niềm tin Việt Nam sẽ tự chủ sản xuất vaccine phòng đại dịch này trong một ngày không xa.

Hà Lan