Khó nhưng không thể không làm!

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 06:50 - Chia sẻ

Hơn 25 nghìn đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 0,5% tổng số đảng viên, bị xử lý kỷ luật. Trong đó, số đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống chiếm tỷ lệ nhiều nhất, hơn 15 nghìn đảng viên, tương đương 60%, tiếp đến là suy thoái về tư tưởng chính trị, với 8.281 đảng viên, chiếm 33% và 1.722 đảng viên biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Đây là một vài con số phản ánh tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII trong 5 năm qua (2016 - 2020) được nêu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sáng qua.

Những con số đó đã phần nào cho thấy tinh thần quyết liệt, “nói đi đôi với làm” của Đảng trong công tác luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt này. Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua cũng cho thấy, các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến cụ thể, rõ nét trên thực tế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ XII được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt, trên các mặt xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phòng, chống tham nhũng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII cũng cho thấy một số hạn chế, khuyết điểm, đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một trong số hạn chế đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước...

Trước yêu cầu của tình hình mới đang đặt ra, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, trong đó kế thừa, bổ sung và phát triển nhiều nội dung quan trọng của các nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụ thể, Kết luận số 21-KL/TW nhấn mạnh: Cần đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trao đổi về những tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đúc kết” 4 điểm đáng chú ý. Đó là sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi, chủ động tiến công mạnh mẽ hơn về tư tưởng chỉ đạo; mục tiêu được xác định lần này cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới; bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới; bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với những điểm mới căn bản như vậy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Kết luận số 21-KL/TW là “quyết tâm chính trị rất cao, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”.

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được thể hiện cụ thể trong Kết luận số 21-KL/TW. Cùng với đó, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm (thay thế cho Quy định số 47-QĐ/TW trước đó), tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định, như lưu ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “vẫn là làm thế nào để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Kết luận và Quy định mới của Hội nghị Trung ương lần này gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng?”.

Từ những kinh nghiệm, bài học thành công cũng như chưa thành công trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII vừa qua, Người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh một số vấn đề mang tính chất định hướng chỉ đạo để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận và Quy định của Trung ương lần này. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước, “không phải chờ đợi gì cả”, căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can...

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình... Vì vậy, “thường rất khó, rất phức tạp”.

“Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tất cả, không gì khác, chính là nhằm “tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc”.

Lam Giang