“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

- Thứ Ba, 11/05/2021, 06:12 - Chia sẻ
Một đợt lây nhiễm Covid-19 mới đang hoành hành gần khắp cả nước. Sau mấy ngày nhộn nhịp trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, các đô thị, sân bay, nhà ga, bến xe lại vắng ngắt, thi thoảng mới có bóng người.

Ngoài các ngành du lịch, dịch vụ và vận tải hành khách công cộng, ngành bán lẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi có người bạn điều hành chuỗi cửa hàng thời trang G2000 nói năm vừa rồi kinh doanh thua lỗ do Covid-19 bằng cả lợi nhuận 10 năm cộng lại. Tình hình mấy tháng đầu năm nay vừa mới khởi sắc trở lại thì “dính” ngay đợt bùng phát dịch bệnh lần này.

Các trung tâm thương mại vốn đông vui không phải do người dân đi mua sắm nhiều mà họ đi xem phim, chơi game, cà phê... Bởi sau hơn 1 năm Covid-19, thu nhập của người dân giảm mạnh nên chi tiêu chủ yếu dành cho sức khỏe, ăn uống và dự phòng lúc lây nhiễm phải vào bệnh viện hay cách ly. Nên anh bạn nói doanh số bán lẻ tại các trung tâm thương mại bằng 0 là như vậy đó. Còn anh bạn khác thì nói, do bây giờ xã hội chuyển sang làm việc trực tuyến, hội họp online, mua sắm online… nên nếu đồ thời trang chắc chỉ có áo sơ-mi là bán được vì họp trực tuyến qua các ứng dụng internet chỉ cần mặc quần ngắn là ổn.

Nói chuyện với bạn bè, mọi người đều không hiểu tại sao lại có người hám lợi đến mức nhận tiền để đưa người nước ngoài với nguy cơ nhiễm bệnh cao nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, di chuyển tự do từ tỉnh này đến tỉnh khác bằng đường bộ, đường sắt... Nhiều người cũng băn khoăn không hiểu biên giới quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt đến mức nào mà người nước ngoài ra vào tự do như vậy... Thế mới biết, chống dịch là phải cả hệ thống, toàn thể nhân dân, mọi lúc, mọi nơi cảnh giác cao độ.

Đành rằng chúng ta cần chuyên gia nước ngoài đến làm việc nhưng trong 2 vạn chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh quý I năm nay có bao nhiêu người là chuyên gia thật, bao nhiêu người núp bóng khi nhiều trường hợp trong giấy chứng nhận hoàn thành cách ly của chuyên gia không ghi tên đơn vị đến để làm việc hay nhiều chuyên gia không biết đơn vị nào mời mình vào làm việc?

Trước đây, trong chiến tranh, chỉ cần ai đó có cử chỉ khác thường đi ngang qua là ngay trẻ em cũng đi báo người lớn là “có kẻ gian”, “có gián điệp”. Vậy trong lúc dịch bệnh lan truyền chóng mặt như bây giờ, có cần đề cao ý thức công dân, toàn dân phát hiện kẻ nhập cảnh lậu, vượt biên lậu, trốn cách ly…?

Người dân hoàn toàn đồng tình với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi ông yêu cầu xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch vì “không để một người chủ quan khiến cả xã hội vất vả”.

Cha ông ta từng đúc kết “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phải dựa vào dân để phát hiện người có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống dịch, nhập cảnh, cách ly. Do đó, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong lúc này vẫn là một trong những giải pháp hữu hiệu quan trọng phải tiếp tục đẩy mạnh như thời kỳ đầu chúng ta bước vào chống dịch.

Chỉ có như vậy, cùng với đó là các giải pháp mang tính vĩ mô như bố trí ngân sách nhà nước mua vaccine phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… chúng ta mới có thể vừa ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, vừa ổn định xã hội, phát triển kinh tế.

Việt Nam đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với Covid-19 trong năm 2021 nếu có đủ 150 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine trên toàn cầu đang gặp khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vaccine tiếp nhận. Như vậy, thời điểm đạt mức miễn dịch cộng đồng ở nước ta chắc còn rất xa nên cách tiếp cận, chống dịch truyền thống như chúng ta đã và đang làm vẫn rất quan trọng và cần thiết. Tôi tin rằng, một trong những việc đầu tiên mà Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, quyết định là đánh giá tổng thể kết quả thực hiện "nhiệm vụ kép" trong thời gian qua như thế nào để từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu cho thời gian tới.

Trần Văn - Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII