Khó xác định tình trạng nghiện ma túy

- Thứ Ba, 05/10/2021, 06:13 - Chia sẻ
Mặc dù, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất danh mục các chất ma túy có 540 loại ma túy khác nhau, tuy nhiên Thông tư liên tịch số 17/2015 quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma tuý chỉ quy định tiêu chí xác định cho hai nhóm chất dạng thuốc phiện Opiats và nhóm các chất dạng Amphetamine. Điều này gây khó khăn cho đội ngũ y tế trong việc xác định tình trạng nghiện.
Trạm y tế cấp xã hiện thiếu nguồn nhân lực để thực hiện quy định xác định tình trạng nghiện
Nguồn: ITN

Gặp khó trong xác định loại ma túy

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện tổng số học viên đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện cả nước là 40.248 người, trong đó 32.986 người theo Quyết định của tòa án, 3.825 người cai nghiện tự nguyện và 2.631 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định. Con số này tăng đều theo các năm, có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma tuý mới. 

Tại Thông tư liên tịch số 17/2015 chỉ quy định tiêu chí xác định tình trạng nghiện cho hai nhóm chất dạng thuốc phiện Opiats và nhóm các chất dạng Amphetamine. Tuy nhiên, danh mục các chất ma túy của Chính phủ quy định có 540 loại ma túy khác nhau. Đại diện Bộ Công an cho biết, việc xác định các chất ma túy còn gặp nhiều khó khăn, phổ biến hiện nay chỉ xác định được 6 loại ma túy: Cần sa (THC), chất dạng thuốc phiện (Heroin, morphin), Ketamin, Benzodiazepin, thuốc lắc (MDMA) và ma túy đá (Methamphetamine). Các địa phương thiếu trang thiết bị và sinh phẩm để xác định các loại ma túy khác.

Điều đáng quan tâm, theo quy định của Thông tư liên tịch số 17/2015, để xác định tình trạng nghiện ma túy thì người nghiện ma túy phải lưu lại cơ sở y tế để theo dõi hội chứng cai tối đa là 3 ngày đối với nghiện ma túy nhóm Opioid và 5 ngày đối với nghiện ma túy tổng hợp nhóm Amphetamine. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, thời gian tạm giữ người vi phạm hành chính tại cơ quan công an không được quá 24 giờ. Như vậy, cơ sở y tế không có chức năng tạm giữ hành chính người sử dụng trái phép chất ma túy để xác định tình trạng nghiện ma túy. Do vậy không có căn cứ để giữ người từ 3 - 5 ngày để theo dõi biểu hiện lâm sàng tại cơ quan công an, cơ sở y tế.  

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang cho biết, tại nhiều cơ sở cai nghiện ma túy, bác sĩ đã có nhiều năm công tác trong việc khám bệnh, chữa bệnh, nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh. Do đó, không đủ điều kiện về nhân sự để xác định tình trạng nghiện. Nhân sự được giao nhiệm vụ xác định tình trạng nghiện ma túy thay đổi, không được tập huấn hoặc không kịp thời được tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy.

Gánh nặng dồn cho y tế cấp xã

Mặc dù Thông tư 17/2015 quy định tổ chức xác định tình trạng nghiện được triển khai trên quy mô từ cấp trạm y tế, đến trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và bệnh viện tuyến tỉnh nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện thông tư này, thì các trung tâm y tế cấp huyện chưa bố trí và chưa bảo đảm cơ sở vật chất để triển khai. Còn trạm y tế cấp xã không có địa điểm riêng để theo dõi hội chứng cai của người nghiện ma túy, không đủ điều kiện về an ninh và các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người cần được xác định tình trạng nghiện ma túy để theo dõi việc xuất hiện các triệu chứng của trạng thái cai trong thời gian từ 3 - 5 ngày.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu thêm vướng mắc, Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11.12.2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì trạm y tế xã/phường/thị trấn không có chức năng xét nghiệm và chẩn đoán nghiện ma túy. Do vậy không thể thực hiện xét nghiệm này tại trạm y tế xã và nhiều tỉnh, thành phố không tiến hành xác định tình trạng nghiện tại xã.

Không chỉ khó về điều kiện cơ sở vật chất, mà nguồn nhân lực y tế cấp xã không thể đáp ứng được những quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015: “Người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy”. Trong khi đó, xác định tình trạng nghiện ma túy là một vấn đề khó, có thể gây nhầm lẫn, cần có kiến thức và kỹ năng lâm sàng chuyên sâu về chuyên khoa tâm thần.

Vì vậy, trên thực tế các đơn vị y tế tuyến xã, tuyến huyện gặp khó khăn nhất về nhân sự chuyên môn và không thể triển khai thực hiện được.  Đại diện tỉnh Nghệ An cho hay, trạm y tế chỉ có 1-2 bác sĩ, có trạm không có bác sĩ, hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, trình độ hạn chế nên việc xác định tình trạng nghiện ma túy gặp khó khăn, nhất là các trường hợp nghiện ma túy tổng hợp, những đối tượng không hợp tác nên không khai thác được thông tin.

Phạm Hải