Khó "xuất ngoại" nếu thiếu mã số vùng trồng

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:32 - Chia sẻ
Nhiều quốc gia quy định rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của nông sản. Vì vậy, muốn rộng đường xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng.
Nguồn: ITN

Thị trường rất khắt khe

Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình (An Giang) cho biết, sản phẩm xoài keo của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, trong đó Hàn Quốc và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất. Đối với nông sản, đặc biệt là trái cây tươi, nếu không được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thì không thể đủ điều kiện xuất khẩu. Hiện nay, hầu hết các nước nhập khẩu đều kiểm tra rất khắt khe hạng mục này.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc (Tiền Giang) Nguyễn Văn Thực, để tiếp cận và khai thác tiềm năng của các thị trường khó tính, mã số vùng trồng là yếu tố vô cùng quan trọng. Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ hiệu quả trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn là cơ sở để các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hướng tới tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Qua đó, người nông dân sẽ ý thức hơn về mối liên kết chặt chẽ giữa quy trình trồng trọt, sản xuất với chất lượng, giá thành sản phẩm. 

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, hết tháng 4.2021, cả nước đã có 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu được cấp. Diện tích vùng trồng được cấp mã số là hơn 196 nghìn hecta, chiếm 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước. Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại bao gồm thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối cho 48 tỉnh để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường đứng đầu với 1.703 mã cho 9 loại trái cây.

Không dễ cấp mã vùng trồng

Công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thời gian qua đã từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới nhưng ông Huỳnh Thanh Minh cho rằng vẫn còn một số điểm nghẽn. Hiện nay, người dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tham gia vào tổ liên kết, hợp tác xã nên chất lượng nông sản không đồng bộ, rất khó để được cấp mã số vùng trồng. Nếu người dân mạnh dạn tham gia tổ hợp tác, sản xuất theo quy trình kỹ thuật thì tình trạng này sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm mã số vùng trồng đa phần đều chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở chưa ý thức được tầm ảnh hưởng quan trọng của mã số vùng trồng tới uy tín của nông sản Việt Nam. Quá trình kiểm tra tại một số địa phương còn lỏng lẻo, hời hợt trong khi chính quyền địa phương là đơn vị sát sao và có thể nắm bắt rõ nhất tình hình trồng trọt, sản xuất trên địa bàn.

Về nguyên nhân khiến tình trạng mã số vùng trồng bị mạo danh, ông Nguyễn Văn Thực cho rằng, nông sản được cấp mã và có chỉ dẫn địa lý giá bán cao hơn những loại khác. Vì vậy, có một bộ phận doanh nghiệp “mượn” mã số này để xuất khẩu dù là nhập hàng từ vùng khác với giá rẻ hơn. Điều này không chỉ gây ra hệ lụy, rủi ro về vi phạm kiểm dịch thực vật; trái cây có nguy cơ bị nước nhập khẩu cảnh báo, thậm chí dừng nhập khẩu, mà thiệt hại cuối cùng vẫn là các doanh nghiệp chân chính và nông dân phải gánh chịu... Hành vi “vay mượn”, gian lận mã số phải bị xử phạt nghiêm minh, ông Thực đề xuất. 

Ông Huỳnh Thanh Minh bổ sung, các hợp tác xã và hộ nông dân cần chú trọng sản xuất những nông sản đạt được chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu; thông báo với cơ quan chức năng kịp thời khi phát hiện mã số vùng trồng của mình bị vi phạm. 

Minh Trang