Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 19:29 - Chia sẻ
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020 đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững với tư duy và cách tiếp cận mới, đó là dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số. Đây là điều tự hào, nhưng cũng là thách thức của ngành KHCN. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) đáp ứng được yêu cầu trở thành nền tảng, quốc sách, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá để KHCN và ĐMST phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Chiều ngày 9.4, Bộ KHCN tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KHCN toàn quốc năm 2021. Tham dự Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt; các đồng chí Thứ trưởng Bộ KHCN: Lê Xuân Định, Trần Văn Tùng, Nguyễn Hoàng Giang; Giám đốc, Phó Giám đốc của 63 Sở KHCN cả nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KHCN. 

Khẳng định vai trò, vị trí của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội các cấp, năm đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành, nội hàm về KHCN và ĐMST được đề cập đến rất nhiều.

Có thể nói Chính phủ đã coi KHCN và ĐMST là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ đã giao cho Bộ KHCN nói riêng và ngành KHCN nói chung rất nhiều nhiệm vụ. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hoạt động KHCN của các tỉnh/thành phố đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tỉnh/thành phố đã ban hành 406 văn bản về KHCN và ĐMST, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ đến ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN; thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ; nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm và tài sản trí tuệ;... 

Giai đoạn 2016-2020, Bộ KHCN đã hỗ trợ các địa phương triển khai gần 800 nhiệm vụ KHCN thuộc các chương trình quốc gia: Nông thôn miền núi; Đổi mới công nghệ; Quỹ gene; Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; Sở hữu trí tuệ; và nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, giải quyết những vấn đề thực tiễn. 

Ngày càng nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2020, các địa phương đã triển khai hàng nghìn nhiệm vụ KHCN các cấp, tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương, bám sát thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Một số sản phẩm điển hình như xoài Sơn La xuất sang thị trường Mỹ, Canada, Australia; chè (Thái Nguyên); trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, chế biến rau quả ở Gia Lai, Tây Ninh,…; thủy - hải sản (Phú Yên; Khánh Hòa; An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu...). Đặc biệt, có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh và Vùng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Phát triển vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, riêng năm 2020, doanh thu đạt 6.900 tỷ đồng, chiếm gần 19% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; Phát triển chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre với doanh thu 3.300 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh);...

Các nghiên cứu về khoa học tự nhiên đã cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học quan trọng của thực tiễn điều kiện tự nhiên, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học, khí hậu - thủy văn làm căn cứ hoạch định định hướng phát triển. Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn được triển khai toàn diện trên các mặt đời sống, xã hội, con người;...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tặng hoa chúc mừng các lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ mới được bổ nhiệm trong thời gian qua. 

Ngành KHCN từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể, thúc đẩy xúc tiến phát triển thị trường KHCN; tổ chức thành công Techfest vùng Đông Nam Bộ tại TP Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre, Cần Thơ, Techfesst quốc gia, Techdemo tại Hà Nội,…; thành lập mới 2 điểm kết nối cung – cầu công nghệ tại Thái Nguyên, Gia Lai, nâng tổng số điểm kết nối cung – cầu trên cả nước là 13 điểm;…

Ngoài ra, Bộ KHCN đã chú trọng hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế. 

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (giai đoạn 2016 - 2020), đã có gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đưa vào sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như Cam sành Hàm Yên - Tuyên Quang, dầu tràm Huế, tôm hùm bông Phú Yên, yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, quế Trà Bồng - Quảng Ngãi,... Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất sản phẩm có kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, có thể thấy, ngành KHCN nói chung và hoạt động KHCN địa phương nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhiều việc phải làm quyết liệt hơn nữa để KHCN đóng góp nhiều hơn nữa cho các địa phương.

Xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá cho KHCN và đổi mới sáng tạo

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp để KHCN và ĐMST ngày càng đóng góp nhiều hơn cho phát triển KT-XH. Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN và ĐMST cho biết, trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, Bộ KHCN đang xây dựng Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nhấn mạnh việc tháo gỡ các cản trở, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công…; khẳng định phải quan tâm xây dựng cơ chế vượt trội, chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN, ĐMST và cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá. Chiến lược cũng sẽ làm rõ vai trò và nội hàm của KHCN và ĐMST trong chuyển đổi số. 

Nhằm cung cấp thêm một số thông tin hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho hoạt động KHCN và ĐMST ở các địa phương, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh hoạt động ngành KHCN giai đoạn 2021 -2025. 

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều kiến nghị đã được các lãnh đạo Sở đề xuất tại Hội nghị, trong đó có cơ chế thử nghiệm chính sách mới về KHCN và ĐMST. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động ĐMST của doanh nghiệp. Trong đó, có chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và ĐMST.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh cũng dẫn ví dụ thực tế rất cần hỗ trợ của nhà nước ở giai đoạn đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường...). Lý do vì giai đoạn này gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Nhấn mạnh việc thể chế, cơ chế làm sao thúc đẩy hoạt động KHCN ngay tại cơ sở, ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KHCN Quảng Ninh cho rằng, có những vấn đề phải vượt qua những ràng buộc trong cơ chế hiện nay thì mới tạo ra đột phá. Trong thời gian tới, ngành KHCN cần tiếp tục đi sâu vào cải cách thể chế, có thể thành lập Tổ công tác rà soát lại những thông tư, nghị định, văn bản dưới luật…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả hoạt động KHCN trong cả nước thời gian qua, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các Sở KHCN trong việc tham mưu, xây dựng chính sách để KHCN có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020 đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững với tư duy và cách tiếp cận mới, đó là dựa chủ yếu vào KHCN và ĐMST và chuyển đổi số. Đây là điều tự hào, nhưng cũng là thách thức của ngành KHCN. Để KHCN và ĐMST đáp ứng được yêu cầu trở thành nền tảng, quốc sách, động lực cho phát triển kinh tế, xã hội, Bộ trưởng đề nghị, cần triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025; Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách có tính nổi trội, đột phá, minh bạch, công khai; Sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở KHCN; Tổ chức sắp xếp các nhiệm vụ KHCN và ĐMST ở địa phương;…

Bộ trưởng yêu cầu, các Sở KHCN cần chủ động xây dựng các đề án để đổi mới, sắp xếp lại hệ thống đảm bảo tinh gọn nhưng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý, khả năng hoạt động hiệu quả, thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành KHCN. Đồng thời tập trung triển khai, khai thác các kết quả nghiên cứu đã có và có khả năng ứng dụng phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội địa phương thông qua nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực địa phương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng giao trách nhiệm và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ động nghiên cứu, vận dụng các chính sách hiện hành để trao đổi cùng địa phương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, với phương châm đạt được kết quả cuối cùng.

Hạnh Nguyên