Khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Năm, 13/06/2013, 08:39 - Chia sẻ
Trong những năm qua, phát huy lợi thế và tiềm lực sẵn có cùng với sự quan tâm của các cấp, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) Thái Bình được triển khai đúng hướng đó là phát triển nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Sản xuất lúa giống - một trong những thành tựu nổi bật của KH - CN tỉnh Thái Bình

Đến nay đã có hàng trăm đề tài, dự án và hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn mang lại giá trị kinh tế cao. Có 7 giống lúa là TBR1, BC15, Thái Xuyên 111, TBR36, D.Ưu527, TBR45, CNR36 và 1 giống lạc TB25 được Bộ NN và PTNT công nhận là giống Quốc gia. Bộ giống trên ra đời đã góp phần thay đổi cơ cấu, tập quán canh tác, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích giúp Thái Bình liên tục trong nhiều năm có năng suất lúa bình quân đạt 12-13 tấn/ha/năm, sản lượng ổn định trên 1 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, mô hình ứng dụng công nghệ nuôi tôm công nghiệp theo phương thức ít thay nước để nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi tôm sú tại xã Thái Thượng, Thái Thụy đạt năng suất 3,13 tấn/ha; sản xuất thành công giống lợn lai 3 máu, sản xuất thịt lợn an toàn; đã tuyển chọn, nuôi vỗ được đàn cá vược bố mẹ để phục vụ sản xuất giống cá vược tại Thái Bình. Đặc biệt, được Bộ KH - CN phê duyệt, hỗ trợ 6 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 3 dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Các chương trình, đề tài, dự án KH - CN triển khai đúng tiến độ, tập trung ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.

Với quan điểm coi hợp tác KH - CN là một trong những nhiệm vụ trọng điểm, ngành KH - CN Thái Bình chú trọng đẩy mạnh phối hợp hoạt động KH - CN với các sở, ban, ngành và các tổ chức khoa học trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, đã tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh ký kết với Bộ KH - CN, Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng XI về phát triển KH - CN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng Đề án phát triển các sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Bình; xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào các cơ quan hành chính nhà nước...

Sở KH - CN chủ động tổ chức ký kết phối hợp hoạt động với 5 sở, ngành trong tỉnh là: Hội Nông dân, Sở NN và PTNT, Sở TN - MT, Sở Công thương, nhằm tăng cường phối hợp hành động trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, ứng dụng KH - CN, phát triển thương mại và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015; ký kết phối hợp hành động với Công an tỉnh đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động KH - CN trong công tác đảm bảo an ninh, chính trị, giữ gìn trật tự xã hội; phối hợp hoạt động KH -CN với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động KH - CN; tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp hành động “phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh” với 8 sở, ngành.

Chưa dừng lại ở đó, tỉnh Thái Bình còn kết hợp chặt chẽ, gắn kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, bước đầu nông dân đã thay đổi tư duy về sản xuất hàng hóa nông nghiệp, từng bước xóa bỏ sự canh tác manh mún, làm theo phong trào, cùng hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.

Tuy nhiên, để KH - CN thực sự là đòn bẩy, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì các cấp ủy đảng và chính quyền cần có nhận thức và quan niệm đúng đắn về vai trò nền tảng và động lực của KH - CN trong phát triển kinh tế - xã hội, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện... Song song với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, phải xây dựng kế hoạch phát triển KH - CN và coi đó là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có kế hoạch đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. Tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, đầu tư nghiên cứu KH - CN hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Gắn KH - CN với chương trình xây dựng nông thôn mới. KH - CN phải trực tiếp góp phần vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, cần tập trung ứng dụng các tiến bộ KH - CN tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học để khảo nghiệm, tuyển chọn và sản xuất nhanh các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Nghiên cứu, đánh giá các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai, biến đổi gene. Tập trung xác định, xây dựng danh mục các đề tài dự án nghiên cứu KH -CN. Đồng thời, ngành khoa học phải chủ động đặt hàng với các đơn vị có năng lực để triển khai thực hiện những nhiệm vụ KH - CN trọng điểm của tỉnh. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KH -CN, như các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng…  Triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Thực hiện tốt công tác thẩm định các dự án đầu tư, lựa chọn các công nghệ tiên tiến, phù hợp, đồng thời ngăn chặn các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đãi ngộ và tôn vinh trí thức về KH - CN; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, đề cao trách nhiệm của trí thức trong nghiên cứu KH - CN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển KH - CN, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong chiến lược phát triển KH - CN. Đầu tư đồng bộ giữa hạ tầng cơ sở, trang thiết bị với đào tạo cán bộ KH - CN nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức KH - CN. Đặc biệt, đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khoa học công lập; hoàn thiện hệ thống các quỹ phát triển KH - CN; tăng cường phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tự chủ trong quản lý, sử dụng kinh phí KH - CN; huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, có các chính sách đột phá để tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân cho hoạt động KH - CN.

Ths Vũ Mạnh Hiền
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình