Khoảng 50% doanh nghiệp vướng thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 11:10 - Chia sẻ
Đây là thông tin được đưa ra Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì, sáng 26.11.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) có thực hiện xây dựng công trình trong hai năm qua cho thấy họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án. Trong đó tỉ lệ DN gặp khó khăn nhiều nhất là thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường…

Bộ TN-MT kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp liên quan đến chính sách về đất đai /// Ảnh Lê Quân
Khoảng 50% doanh nghiệp vướng thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng

Cụ thể, có khoảng 50% DN vướng thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% vướng thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; 43,7% vướng thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; 42,9% vướng thủ tục thẩm định báo cáo tác động môi trường. Chỉ tính riêng thủ tục cấp phép xây dựng, DN phải mất tới gần 30 ngày để hoàn thiện. Mỗi DN cần ba lần đến cơ quan nhà nước để hoàn thiện thủ tục, có DN mất tới 8-9 lần. “Các loại thủ tục này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan thì sẽ khiến thời gian triển khai dự án kéo dài, gây khó khăn, làm tăng chi phí cho DN” - ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định dù nhiều năm qua Bộ Xây dựng đã có rà soát, khắc phục sự chồng chéo với các lĩnh vực khác nhưng vẫn còn hạn chế.

“Ngân hàng Thế giới đánh giá các DN mất khoảng 166 ngày với 10 bước để hoàn thành thủ tục triển khai dự án. Quy trình này ở Singapore chỉ mất chín bước với thời gian 35,5 ngày” – bà Thảo nói. Theo đó, bà đề nghị Bộ Xây dựng thiết kế quy trình làm thủ tục một cửa, giúp DN không phải đi lại nhiều cơ quan; đồng thời đẩy nhanh việc số hóa thực hiện thủ tục hành chính.

Lê Hùng