Tháng hành động về bình đẳng giới (15.11 -15.12.2021):

Khoảng cách giới trong tiếp cận bảo hiểm xã hội

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 10:44 - Chia sẻ
Báo cáo Để Bảo hiểm xã hội phù hợp với cuộc sống của phụ nữ: Đánh giá tác động giới tại Việt Nam, vừa được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy, các bộ, ngành liên quan cần rất nhiều nỗ lực để có thể tiến tới mục tiêu rút gần khoảng cách giới trong tiếp cận bảo hiểm xã hội.
Vận động chị em tham gia bảo hiểm xã hội
Nguồn: ITN

Già hoá: một vấn đề nhạy cảm giới

Năm 2020, phụ nữ chiếm 60% nhóm người độ tuổi từ 65. Hiện nay phụ nữ đang phải dành nhiều thời gian thực hiện công việc chăm sóc người thân trong gia đình hơn so với nam giới.

Theo ước tính 14,5% phụ nữ so với tỷ lệ 5,5% nam giới rời khỏi lực lượng lao động vì những lý do liên quan tới chăm sóc người thân trong gia đình. Tuy nhiên, khi nhóm dân số ở độ tuổi 80 ngày càng gia tăng, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi cũng tăng lên và phụ nữ có xu hướng sẽ phải đảm đương trọng trách này.

Đại diện Nhóm An sinh xã hội của ILO tại Việt Nam cho rằng, điều này sẽ ngày càng hạn chế khả năng tham gia vào lực lượng lao động và kiếm thu nhập của họ. Khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia thị trường lao động và trong thu nhập tại Việt Nam tiếp tục đặt phụ nữ vào tình thế bất lợi hơn so với nam giới. Đồng thời tác động tới khả năng tiếp cận các chế độ BHXH của phụ nữ cũng như mức hưởng BHXH của họ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc nhiều người rút BHXH một lần sau một năm không tham gia BHXH là một vấn đề đáng quan ngại bởi tác động tới việc tích luỹ thời gian đóng bảo hiểm. Điều cần đáng lưu ý là đa phần người hưởng BHXH một lần là phụ nữ trong độ tuổi còn trẻ, bởi điều này đồng nghĩa với việc có ít phụ nữ được hưởng lương hưu hàng tháng.

Thực tế này có thể chỉ ra một nhu cầu nào đó không được đáp ứng đầy đủ bởi các chế độ ngắn hạn khác như thai sản và bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2019, khoảng 69% đối tượng nhận trợ cấp một lần là phụ nữ dưới 35 tuổi, hầu hết đối tượng nhận trợ cấp một lần là lao động trong khu vực tư nhân. Trong năm 2019, chỉ 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản. Có thể thấy rằng không phải tất cả phụ nữ đều đang tham gia lực lượng lao động, nên mức độ bảo vệ trên thực tế còn thấp hơn nữa.

Nhiều lao động nữ, rút BHXH hưởng trợ cấp 1 lần
Nguồn ITN

Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội và cải thiện các quy định về trợ giúp xã hội, như Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội… là một cơ hội tốt nhằm bổ sung các biện pháp bù đắp cho phụ nữ và các nhóm lao động dễ bị tổn thương có mức thu nhập đóng bảo hiểm thấp hơn và thời gian đóng bảo hiểm ngắn hơn.

(Đại diện Nhóm An sinh xã hội của ILO tại Việt Nam, khuyến nghị)

Thời gian đóng BHXH: nữ giới thấp hơn nam giới

Vào năm 2019, khoảng 31,3% phụ nữ và 22,1% nam giới tham gia BHXH; bao phủ cao nhất ở cả nam và nữ độ tuổi từ 20 đến giữa 30 tuổi; sau tuổi 40 diện bao phủ thấp ở cả nam và nữ. Công việc chăm sóc, nghĩa vụ chăm sóc và việc làm trong tương lai (của nam giới và phụ nữ) đạt đỉnh khi họ còn trẻ ở tuổi 26. Đây là một xu hướng đặc biệt và qua đó có thể thấy nhiều lao động tham gia BHXH rất sớm trong độ tuổi đi làm nhưng sau đó lại rời khỏi hệ thống. Đặc biệt dường như tốc độ dừng tham gia bảo hiểm của phụ nữ diễn ra nhanh hơn nam giới.

Đại diện Nhóm An sinh xã hội của ILO tại Việt Nam, phân tích: mức độ bao phủ thấp một phần do hệ thống BHXH tự nguyện gặp hạn chế trong thu hút nhóm lao động không hưởng lương (chiếm tới 81% tổng số lao động nữ có việc làm phi chính thức). Điều đáng quan tâm, mặc dù tỷ lệ bao phủ ở nữ giới cao hơn, chỉ có 16% phụ nữ độ tuổi từ 65 trở lên được hưởng lương hưu BHXH so với 27,3% nam giới. Khoảng cách này gia tăng khi độ tuổi càng cao. Thời gian đóng bảo hiểm bình quân của phụ nữ ít hơn 4 năm so với nam giới. Con số này bằng 1/5 trong tổng số 20 năm đóng góp theo quy định để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Tính bình quân lao động nam có thời gian đóng nhiều hơn nữ 3 năm. Số năm đóng BHXH, thu nhập đóng bảo hiểm của lao động nữ trong khu vực tư nhân thấp hơn 11,6% so với nam giới. Mức chênh lệch này trong khu vực Nhà nước mặc dù không quá lớn nhưng vẫn còn tồn tại.

Hướng tới bảo hiểm toàn dân
Nguồn: Báo Thái bình

Ngoài ra, độ bảo phủ thấp cũng diễn ra trong chế độ ốm đau (bù đắp thu nhập khi nghỉ ốm). Năm 2019, ước tính 30% lao động nữ và 21,3% lao động nam trong lực lượng lao động được hưởng chế độ ốm đau (tức là những lao động tham gia BHXH bắt buộc). Điều này có nghĩa rằng những lao động chưa tham gia BHXH nếu nghỉ ốm sẽ hứng chịu những hậu quả về công việc và thu nhập. Nhu cầu cuộc sống cấp thiết có thể buộc nhiều lao động phải tiếp tục làm việc trong tình trạng ốm đau, khiến sức khỏe của họ gặp rủi ro lớn hơn và trong bối cảnh đại dịch Covid -19, điều này mang lại rủi ro cho cả những người xung quanh. Tỷ lệ phụ nữ hưởng chế độ ốm đau thấp hơn đáng kể so với nam giới, ít nhất trong khu vực tư nhân. Nhìn chung, phụ nữ hưởng 36,2% tổng số trợ cấp ốm đau đã chi trả.

Phạm Hải