"Khoảng lặng" cần thiết...!

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:01 - Chia sẻ
Lệ thường, tháng giêng, tháng hai, thậm chí cả tháng 3 là mùa lễ hội. Thế nhưng, năm nay là năm thứ hai, không có mùa lễ hội bởi lý do bất khả kháng: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong đó yêu cầu đối với các hoạt động văn hóa, phải hạn chế tối đa hoặc dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người để giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh. Tuyệt đại đa số các địa phương đã chấp hành nghiêm Chỉ thị này.

Đương nhiên, không có lễ hội sẽ có những tiếc nuối, hụt hẫng nhưng đây là điều cần thiết, nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội bởi khó có thể nói trước điều gì về tình hình dịch bệnh. Ở một góc nhìn khác, việc tạm dừng tổ chức các lễ hội được cho là "cơ hội" để nhìn nhận lại những mặt được, những mặt chưa được trong việc tổ chức, quản lý lễ hội.

Thực tế, những năm qua, bên cạnh các lễ hội tuân thủ đúng quy định về việc tổ chức, theo đúng truyền thống, phản ánh được các giá trị của lễ hội, đáp ứng nhu cầu của xã hội, vẫn còn nhiều lễ hội bị biến tướng, thậm chí là trục lợi. Một số hội có tình trạng tranh giành quá mức, mang tính bạo lực khiến dư luận xã hội bức xúc; một số lễ hội không có trong thực tế nhưng vẫn được tổ chức hoặc phục dựng vì yếu tố lợi nhuận... Vậy nên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạm dừng lễ hội trong thời gian này lại là "khoảng lặng" cần thiết để ngành văn hóa, các địa phương nhìn nhận lại việc tổ chức lễ hội trong những năm qua, đánh giá những ưu khuyết điểm để có giải pháp phát huy những mặt được và khắc phục mặt bất cập, những tồn tại, hạn chế, nhất là phải hướng tới việc loại bỏ những biến tướng, các cảnh bạo lực trong hội. Với người dân, đây là cơ hội để soi xét lại "cách hành xử với lễ hội" của mình đã đúng chuẩn mực hay chưa.

Nhu cầu tổ chức, tham gia các lễ hội là chính đáng, thế nhưng để hoạt động lễ hội thật sự hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tránh tâm lý "thích", đua tranh mở lễ hội. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội phải đúng với truyền thống, hạn chế tối đa việc "cải tiến" nhằm trục lợi. Để làm được những điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải quyết liệt, chủ động, tích cực vào cuộc. Tiếp đó là công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên. Khi phát hiện có sai phạm cần cương quyết xử lý và xử lý nghiêm khắc, nhất là với các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Nhu cầu du xuân, tham gia các lễ hội là chính đáng, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Thế nhưng, không ít vi phạm, những "hạt sạn" ở nhiều lễ hội cần thiết phải sớm được khắc phục chứ không thể mãi chỉ tuyên truyền, nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính. Cho dù năm nay lại thêm một năm nữa, mùa xuân thiếu vắng lễ hội nhưng là cơ hội để xây dựng lại nền nếp cho những lần sau.

Khánh Ninh