Khoảnh khắc “Brexit” của Thụy Sỹ

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:15 - Chia sẻ
Chính phủ Thụy Sỹ mới đây đã đơn phương quyết định dừng đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận khung kéo dài nhiều năm qua nhằm xây dựng khuôn khổ mới cho quan hệ song phương. Các nhà quan sát cho rằng, đây có thể là ván cược mà Thụy Sỹ mất nhiều hơn được.

Bữa trưa miễn phí

Hiện nay, mặc dù không phải thành viên EU, cũng không tham gia Không gian kinh tế chung châu Âu (như Na Uy và Iceland) nhưng Thụy Sỹ được bảo đảm hầu như mọi quyền lợi giống như một nước thành viên EU, nhờ gần 130 thỏa thuận song phương ký với EU trong tất cả lĩnh vực. Thụy Sỹ là thành viên Khu vực Tự do đi lại Schengen, được tích hợp chặt chẽ với EU trong các lĩnh vực như vận tải, nghiên cứu và chương trình trao đổi sinh viên Erasmus; đồng thời được tiếp cận đầy đủ với thị trường chung châu Âu trong các lĩnh vực từ tài chính đến dược phẩm.

	Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Gertrud von der Leyen - Nguồn: Getty Images
Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Gertrud von der Leyen
Nguồn: Getty Images

Có thể nói, Thụy Sỹ được hưởng lợi nhiều từ thị trường chung hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác trong khi phải trả cái giá rất nhỏ. Một nghiên cứu của Bertelsmann Stiftung năm 2019 cho thấy thị trường này giúp tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Thụy Sỹ lên 2.900 euro (3.515 USD) mỗi năm - cao hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 1.000 euro - trong khi đóng góp tài chính tương ứng của Thụy Sỹ trên thực tế chỉ dưới 14 euro bình quân đầu người mỗi năm.

“Bữa trưa miễn phí” của Thụy Sỹ không chỉ mang tính kinh tế mà còn rất nhiều nhượng bộ của EU liên quan chính trị và pháp lý. Lý do chính khiến Thụy Sỹ từng bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tham gia Khu vực Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1992 là việc người dân nước này cho rằng, “các thẩm phán nước ngoài” không nên có vai trò trong việc giải thích luật pháp của đất nước họ. Và Thụy Sỹ nhận thấy họ không có nghĩa vụ phải cập nhật liên tục luật thị trường ở Thụy Sỹ cho EU. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với yêu cầu của một thị trường duy nhất về việc áp dụng thống nhất các quy tắc siêu quốc gia.

Cũng như vậy trong mối quan hệ này, rất nhiều thỏa thuận đã được ký từ rất lâu, cách đây 50 năm, một số cách đây 20 - 30 năm, do đó không còn phù hợp với tình hình thực tại, với rất nhiều biến động về kinh tế - chính trị tại châu Âu. Điều này buộc EU thúc giục Thụy Sỹ sớm ký một thỏa thuận khung để bao trùm toàn bộ hơn 100 thỏa thuận song phương cũ, để pháp lý hóa và thể chế hóa quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Nhượng bộ của EU

Thỏa thuận khung về thể chế (IFA) mà EU và Thụy Sỹ cơ bản nhất trí vào năm 2018, sau 5 năm đàm phán, là nỗ lực muộn màng nhằm đưa quan hệ song phương phát triển bền vững và mở đường cho Thụy Sỹ tiếp cận thị trường EU hơn nữa. Để bảo đảm điều đó, EU một lần nữa đã có những nhượng bộ đáng kể khi đối mặt với những lo ngại về chủ quyền của Thụy Sỹ.

Thay vì yêu cầu tự động áp dụng luật thị trường đơn lẻ, EU đã cho phép Thụy Sỹ được tiến hành các thủ tục trong nước kéo dài trong ba năm để thông qua luật này (bao gồm cả các cuộc trưng cầu dân ý có thể xảy ra). Và thay vì khăng khăng đòi quyền tài phán duy nhất cho Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (CJEU), EU đã đồng ý với cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên trọng tài và sự tham gia của CJEU để giải thích các khái niệm của luật EU.

Đáng chú ý, EU cũng thừa nhận rằng IFA sẽ chỉ bao gồm 5 hiệp định tiếp cận thị trường, từ vận tải đến quyền di chuyển tự do của người dân. Hiệp định thương mại tự do song phương năm 1972 vẫn không có giới hạn, với việc hai bên chỉ đưa ra cam kết chính trị đối với việc hiện đại hóa nó trong tương lai.

Nhưng bất chấp những nhượng bộ này - điều sẽ gây rủi ro cho sân chơi bình đẳng của một thị trường - chính phủ Thụy Sỹ đã quyết định từ bỏ IFA.

Những điểm không gặp gỡ

Bế tắc lớn nhất trong quá trình đàm phán IFA là việc Thụy Sỹ không chấp nhận các yêu cầu từ phía EU liên quan đến vấn đề tự do di chuyển của công dân. Hiện tại, tuy không phải thành viên EU nhưng Thụy Sỹ vẫn đang tham gia Hiệp ước Schengen nên công dân các nước EU và Thụy Sỹ được tự do qua lại biên giới. Tuy nhiên, theo thỏa thuận khung được đàm phán, phía EU muốn Thụy Sỹ bảo đảm mức độ đối xử công bằng với mọi công dân châu Âu cư trú tại Thụy Sỹ, tức bảo đảm những người này được hưởng các chính sách an sinh - xã hội, bảo trợ thất nghiệp, trong khi Thụy Sỹ chỉ chấp nhận nếu những người này (và gia đình) là lao động có việc làm. Thụy Sỹ e ngại điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư khi nhiều công dân châu Âu đổ về Thụy Sỹ để hưởng các chế độ an sinh xã hội được xem là tốt hàng đầu châu Âu.

Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 của Thụy Sỹ về “chống nhập cư ồ ạt”, EU thừa nhận luật pháp Thụy Sỹ có thể cho phép các nhà tuyển dụng nước này ưu tiên cho người tìm việc trong nước. Và CJEU đã công nhận rằng quyền tự do đi lại không phải là tuyệt đối và công dân EU không có việc làm có thể không được nhận lợi ích an sinh xã hội của các nước thành viên.

Nhưng đó là giới hạn của EU, họ không thể nhượng bộ thêm. Chính vì những vấn đề phức tạp này không phải chỉ có ở Thụy Sỹ, nên EU không thể chấp nhận để Thụy Sỹ được tự do. Đối xử với tất cả các quốc gia như nhau không chỉ vì tính toàn vẹn của thị trường chung mà còn vì khả năng tồn tại chính trị của EU. Nếu EU trao cho những nước không phải thành viên đặc quyền mà ngay cả các thành viên cũng không có, thì quốc gia thành viên có thể tìm cách rút lui. EU và Thụy Sỹ phải tìm ra các giải pháp trong một khuôn khổ chung chứ không phải bên ngoài các quy tắc đó.

Vấn đề thứ hai là tiền lương. Từ nhiều năm qua, Thụy Sỹ luôn duy trì chính sách được gọi là “các biện pháp đồng hành” với người lao động, tạo nên những ưu đãi tương đối lớn về mặt tiền lương với người lao động nước này và mặt bằng lương tại Thụy Sỹ luôn cao hơn các nước châu Âu khác, thậm chí trong nhóm cao nhất châu Âu. EU cho đây là một loại trợ cấp nhà nước nên yêu cầu sau khi ký IFA, chính sách này phải bị xóa bỏ, điều mà các đảng cánh tả tại Thụy Sỹ chắc chắn không chấp nhận.

Các cuộc đàm phán cũng gặp khó khăn vì những bất đồng liên quan đến quy tắc viện trợ của nhà nước. Theo IFA, EU đưa ra một thỏa thuận gồm hai trụ cột, theo đó các quy tắc của EU sẽ được áp dụng ở Thụy Sỹ nhưng sẽ được thực hiện thông qua cơ chế giám sát tự trị của Thụy Sỹ với quyền hạn tương đương với Ủy ban châu Âu. Nhưng khi EU đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit với Vương quốc Anh, một số người ở Thụy Sỹ nghĩ rằng Vương quốc Anh nhận được một thỏa thuận viện trợ nhà nước “tốt hơn”. "Sự ghen tị với Brexit" này là hoàn toàn không chính đáng. Bởi trong khi Brexit liên quan đến việc Vương quốc Anh rời khỏi thị trường duy nhất, toàn bộ mục đích của IFA là để giữ Thụy Sỹ ở lại.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Thụy Sỹ trên thực tế như là thành viên EU nhưng lại được lựa chọn không phải tuân thủ các nghĩa vụ mà nước này không mong muốn. Vị thế này của Thụy Sỹ thậm chí còn được chính các nhà đàm phán Anh mong muốn có được khi đàm phán Brexit, tức là hưởng lợi ích tối đa nhưng với nghĩa vụ tối thiểu.

Mất nhiều hơn được

Ủy ban châu Âu đã cảnh báo là nếu không có thỏa thuận khung thì không thể có các thỏa thuận khác, như việc cho phép Thụy Sỹ tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường chung, ví dụ trong ngành điện, dược phẩm, thiết bị y tế hay máy công cụ.

Trên thực tế, kể từ cuối tháng 5, Thụy Sỹ đã mất quyền tiếp cận thị trường EU đối với các thiết bị y tế mới do Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau giữa EU và Thụy Sỹ không được cập nhật. Máy móc và hóa chất sẽ nằm trong danh mục tiếp theo bị đình chỉ. Từng chút một, hai nền kinh tế sẽ tách biệt trong các lĩnh vực này. Sự gián đoạn và đổ vỡ trong quan hệ với EU có thể khiến Thụy Sỹ thiệt hại trước mắt khoảng 1,2 tỷ euro mỗi năm và sẽ lớn hơn nếu các thỏa thuận song phương cũ không còn hiệu lực.

EU cũng sẽ sớm đưa ra những lựa chọn khó khăn khác, đặc biệt là liên quan đến việc Thụy Sỹ tham gia chương trình nghiên cứu và giáo dục của khối như Horizon và Eramus. Hợp tác nghiên cứu rõ ràng là đôi bên cùng có lợi. Nhưng với việc người Thụy Sỹ tiếp tục hạn chế đóng góp tài chính và không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thể chế khả thi, EU dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài rút chân khỏi các dự án đó.

Như EU đã nhắc nhở Chính phủ Thụy Sỹ sau khi nước này chấm dứt đàm phán, mối quan hệ song phương cần được hiện đại hóa khẩn cấp. Nhưng có vẻ với chiều hướng này, nó đang lâm vào ngõ cụt.

Đạt Quốc