Khởi đầu cho nhiều chính sách quan trọng

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 04:47 - Chia sẻ
TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Vào thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang mong chờ một loạt chính sách tài khóa, tiền tệ mới hỗ trợ thực hiện tổng thể Chương trình phục hồi kinh tế năm 2022 - 2023 sẽ được Quốc hội xem xét tại phiên họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối tháng này để quyết định một loạt vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước.

Vì lẽ đó, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tôi còn nhớ loạt “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam” hàng năm đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Khóa XIII tổ chức rất thành công, cung cấp nhiều thông tin quý báu cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc xem xét, quyết định nhiều chính sách quan trọng trong giai đoạn đó.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm vẫn tăng và địa bàn ngày một mở rộng. Dịch bệnh như thế thì doanh nghiệp, người dân cũng khó mà tập trung cho sản xuất, kinh doanh, chưa kể đến các khó khăn khác như giá nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh, chuỗi cung ứng đình trệ, chi phí logistics tăng cao, sức mua của thị trường yếu, thiếu lao động… Cho nên, việc đánh giá đúng tình hình để ban hành chính sách là rất quan trọng.

Trước những khó khăn của nền kinh tế do đại dịch gây ra, 2 năm qua, nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân đã được Nhà nước ban hành, từ hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền mặt đến giãn, hoãn, giảm nhiều loại thuế, phí, giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh đến trợ giá điện, viễn thông… Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm và tỷ lệ giải ngân còn thấp phần nào do việc tiếp cận chính sách còn hạn chế, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay hộ kinh doanh. Một số chính sách chưa thật thiết thực, ví dụ như chính sách thuế, vì khi doanh nghiệp thua lỗ thì việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa.

Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động được thực hiện khá tốt nhưng cũng không ngăn được dòng lao động rời khỏi các trung tâm kinh tế lớn về quê do kiệt quệ tài chính sau nhiều tháng nhà máy đóng cửa, không có việc làm, thu nhập. Trong khi đó, các đối tượng phụ thuộc vào người lao động chính trong gia đình như vợ, con, cha mẹ già thì chính sách lại chưa vươn tới. Giờ thì gánh nặng an sinh xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục cho gia đình người lao động hồi hương lại dồn lên quê hương của họ và cũng cần có chính sách thích hợp để giải quyết, hỗ trợ, khuyến khích người lao động trở lại các trung tâm kinh tế, nơi đang thiếu lao động trầm trọng như thế nào.

Chúng ta lo nhiều cho các vùng kinh tế trọng điểm, các đầu tàu kinh tế, nhưng cũng rất cần chú ý tới khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì đây không chỉ là nơi vừa đón vài triệu lao động hồi hương, mà thực sự cũng đang rất khó khăn khi hàng hóa làm ra không có nơi tiêu thụ, giá cả bấp bênh, vừa do thị trường, sức mua thấp, vừa do chuỗi cung ứng đứt gãy, xuất khẩu trì trệ… Thiết kế được chính sách gì hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân là rất quan trọng. Ví dụ, sao lại không thiết kế chính sách khuyến khích mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản? Tại sao ta lại chỉ chăm chú phát triển "smart city" (thành phố thông minh) mà không quan tâm phát triển "digital village" (làng, xã số)? Trên nền tảng số, nông dân sẽ dễ tập hợp trong các hợp tác xã để nhân đôi, nhân ba sức mạnh, sẽ được mua vật tư nông nghiệp với giá hợp lý hơn, bán được nông sản hàng hóa với giá cao hơn, bỏ qua được tầng lớp thương lái trung gian.

Do đó, dự báo đúng tình hình một cách khách quan, khoa học sẽ cho chúng ta cơ sở để lựa chọn chính sách tốt nhất với hiệu quả cao nhất và chi phí hợp lý nhất. Không phải cứ chi ra nhiều là “phục hồi” được nền kinh tế. Thế nên, việc đánh giá tác động của chính sách rất quan trọng, phải định lượng được hiệu ứng, hiệu quả của chính sách trước mắt cũng như hệ quả đối với ổn định vĩ mô và tăng trưởng trong dài hạn.

Một khâu nữa Quốc hội cần dành sự quan tâm đặc biệt, đó là thực hiện chính sách. Ở đây có yếu tố quy trình, thủ tục và con người thực thi chính sách. Quy trình, thủ tục có thể quy định rõ ràng trong thiết kế chính sách nên vấn đề còn lại chính là yếu tố con người. Đây là lúc "người công bộc", "đầy tớ của Nhân dân", như lời Bác Hồ dặn, phải dốc hết sức mình, gạt bỏ mọi lợi ích riêng tư để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân một cách tận tụy và trong sáng nhất trong lúc "nước sôi lửa bỏng". Việc này nói thì dễ, vì nó là nguyên tắc tối thượng của bộ máy công quyền, nhưng làm thì rất khó vì nó rất trừu tượng, khó định lượng. Nên chăng, trong thiết kế chính sách cũng thiết kế luôn trách nhiệm của cơ quan và cá nhân thực hiện chính sách đó, nếu định lượng được bằng các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể thì tốt nhất vì khu vực tư đã làm được việc này (KPI - Key Performance Indicator: Chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của một cá nhân hay một bộ phận trong một tổ chức) từ lâu rồi.

Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cả trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu tại các tỉnh, thành và một số tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước là cách làm hay, có thể đưa các học giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách tới gần với thực tiễn và ở chiều ngược lại, các địa phương có dịp phản ánh tình hình thưc tế cũng như nhanh chóng xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong khôi phục kinh tế, ổn định xã hội để tiếp tục phát triển.

Tầm quan trọng của Diễn đàn chính là sự khởi đầu của loạt chính sách quan trọng mà trong lúc này còn hơn cả "luồng gió mới", mà phải nói là "ô-xy" cho nền kinh tế.