Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Khơi dậy lương tâm, trách nhiệm của cán bộ

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 06:23 - Chia sẻ
Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NGUYỄN TÚC, Quy định 41-QĐ/TW khơi dậy lương tâm, trách nhiệm của cán bộ. Việc từ chức chính là trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của cá nhân. Khi nhìn vào quy định, đảm nhiệm công việc, anh cảm thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ, cảm thấy quá sức, nếu có liêm sỉ, anh phải sẵn sàng đứng sang một bên cho người khác làm. Chúng ta thúc đẩy đội ngũ cán bộ trưởng thành và lớn mạnh hơn, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bước tiến trong công tác cán bộ

- Thưa ông, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2.10.2009. Ông đánh giá thế nào về Quy định mới này?

- Đây là quy định cần thiết và kịp thời, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay. Miễn nhiệm, từ chức đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến ở nhiều nơi, trong các lĩnh vực, gây cản trở không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ, cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Đáng lưu ý, trong công tác tổ chức, sử dụng cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang, không dám động chạm, lo ngại “tôi động đến anh, anh động đến tôi”, làm cho công tác xây dựng Đảng, các hoạt động của cả hệ thống chính trị khó bứt phá. Vì vậy, Quy định 41-QĐ/TW sẽ là một bước tiến trong công tác sắp xếp, tổ chức cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung.

- Quy định 41-QĐ/TW còn thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong việc lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài để gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, thưa ông?

- Nhìn trong tổng thể, từ các Văn kiện Đại hội lần thứ XI, Đại hội lần thứ XII của Đảng và đặc biệt Đại hội lần thứ XIII của Đảng đều cho thấy quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đấu tranh với tham nhũng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25.10.2021 về những điều đảng viên không được làm, cùng với Quy định số 41-QĐ/TW, Đảng ta càng cho thấy quyết tâm triệt để loại bỏ những kẽ hở trong các quy định, quy chế, cung cách làm việc thường ngày ở lĩnh vực công mà không ít cán bộ, lãnh đạo quản lý, thậm chí công chức, viên chức có tư tưởng “làm nhiều, sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.

Quy định 41-QĐ/TW khơi dậy lương tâm, trách nhiệm của cán bộ. Việc từ chức chính là trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của cá nhân. Khi anh nhìn vào quy định, đảm nhiệm công việc, anh cảm thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ, cảm thấy quá sức, nếu có liêm sỉ, anh phải sẵn sàng đứng sang một bên cho người khác làm. Chúng ta thúc đẩy đội ngũ cán bộ trưởng thành và lớn mạnh hơn. Các quy định bọc lót và phối hợp với nhau nhằm mục tiêu có đội ngũ cán bộ thực sự năng động, sáng tạo, dám đột phá tư duy.

Mở đường để hình thành văn hóa từ chức

- Ông có cho rằng Quy định 41-QĐ/TW sẽ góp phần hình thành văn hóa từ chức không?

 - Quy định này sẽ mở đường để hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Việc từ chức cần được nhìn nhận thoáng hơn trong các cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội. Khía cạnh nhân văn của việc từ chức là khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm, có những cống hiến, vươn lên thì vẫn được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định. Điều này giúp cán bộ khi mắc khuyết điểm sẽ không “ngoan cố” tới cùng, không tìm mọi cách để “giữ ghế”.

- Quy định 41-QĐ/TW cũng không cho phép cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm, thưa ông?

- Quy định 41-QĐ/TW đã phân biệt rạch ròi hai khái niệm này. Theo đó, miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Quy định đã xác định rõ 6 trường hợp miễn nhiệm, 4 trường hợp xem xét cán bộ từ chức. Rõ ràng, miễn nhiệm là do anh đã vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, anh có thiếu sót thì phải miễn nhiệm, chứ không phải từ chức là xong.

- Theo ông, Quy định 41-QĐ/TW đi vào đời sống sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào trong công tác cán bộ?

- Tôi tin chắc, nếu cương quyết, Quy định 41-QĐ/TW sẽ tạo ra đột phá trong công tác cán bộ. Chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, biện pháp thực hiện cũng phải rất quyết liệt. Đưa ra chủ trương mà làm không đến nơi, đến chốn, không cụ thể, thì “đâu lại đóng đấy”. Trước hết, bộ máy của Đảng, Nhà nước phải thực sự nêu gương, thực hiện nghiêm túc. Quy định rõ về tiêu chí, mạch lạc, cụ thể, cùng với quan điểm, lập trường kiên định của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ làm được, với bước đà mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, chúng ta càng phải “thừa thắng, xông lên”.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện