Khơi dậy niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:31 - Chia sẻ

Nguyễn Mai Bộ - Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Lời kêu gọi cả nước chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khắc họa sâu sắc hình ảnh của một Việt Nam quật cường, kiên định có truyền thống anh hùng, luôn đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống và tinh thần ấy càng cần thiết được khơi dậy và phát huy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan rất nhanh ở nhiều tỉnh, thành của nước ta, trong đó có "tâm dịch" TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Thủ đô Hà Nội.

Trước những diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, với quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của Nhân dân của dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Ảnh: Trung Thành

Có thể khẳng định, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư rất kịp thời, đúng lúc, thể hiện sự nhất quán trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là những suy tư, gửi gắm “tự đáy lòng” của người đứng đầu Đảng ta trong thời khắc khó khăn hiện nay khi mà sức khỏe, tính mạng của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đại dịch và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước đang bị ảnh hưởng.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết trong Lời kêu gọi ngắn gọn, súc tích và đầy đủ thông điệp của Tổng Bí thư đã khơi dậy niềm tin, hy vọng và sự ủng hộ, đồng lòng của đồng bào cử tri và Nhân dân ở trong nước cũng như nước ngoài, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, "toàn dân tộc muôn người như một", quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Với ý nghĩa như vậy, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư ra đời đúng thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh có tác dụng cổ vũ, động viên và tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là những lực lượng đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch, tiếp tục nêu cao tinh thần quyết tâm, chung sức, đồng lòng chống "giặc" Covid-19. Điều này xuất phát từ thực tế công tác phòng, chống dịch vừa qua, cùng với nỗ lực của Đảng và Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân và những tấm lòng thơm thảo đã không ngại nguy hiểm đến những nơi cách ly, hay địa phương đang giãn cách để chuyển nhu yếu phẩm, người ít thì "chai nước lọc, ổ bánh mì”, người nhiều hơn là những suất cơm, đồ ăn miễn phí, tiền, gạo… cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Từ Lời kêu gọi chân thành của Tổng Bí thư, mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào ta ở trong nước cũng như nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đoàn kết, tương thân tương ái, đồng lòng ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch, cùng với Đảng và Nhà nước quyết chiến và quyết thắng đại dịch, mang lại cuộc sống an toàn, bình thường cho người dân.

Tôi đặc biệt vui mừng khi chúng ta đã và đang có những điều chỉnh đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có hai quyết định vô cùng quyết đoán vừa qua, đó là yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”, tránh tối đa việc lây lan dịch bệnh, và sự thay đổi về chính sách ưu tiên vaccine, trong đó xác định rõ ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia các chuỗi cung ứng sản xuất, thì phải ưu tiên vaccine cho TP. Hồ Chí Minh - một đô thị đặc biệt mang tên Bác Hồ kính yêu, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã và đang có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam
Nguồn: ITN

Thực tế, chúng ta đều biết rằng, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với số lượng người nhiễm Covid-19 lên tới hàng trăm, hàng nghìn ca, trong đó con số tử vong hiện đã vượt quá 1.000 người. Trước thực tế đó, việc người dân di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có dịch để trở về quê là rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tình trạng lây chéo và lây lan dịch bệnh ra các địa phương khác. Khi đó tình hình chắc chắn còn khó kiểm soát hơn. Rất mừng là nhiều địa phương một mặt đã chủ động có kế hoạch, phương án đón người dân từ vùng dịch về quê, rất nhân văn, nhưng mặt khác, lại đi ngược với quy định trong Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cho nên, rõ ràng, hơn lúc nào hết, tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy” phải được kích hoạt cao hơn và mạnh mẽ hơn kể từ giờ phút này. Mỗi người dân phải nêu cao tinh thần chủ động, hết sức bình tĩnh, chấp hành các quy định, hợp tác với chính quyền, trước hết vì chính sức khỏe và tính mạng của mình và gia đình mình. Lúc này ai cũng khó, cũng khổ, cũng vất vả, cho nên “một người vì mọi người” cùng nhau chia sẻ, cùng nhau hy sinh để vượt qua đại dịch là cần thiết và cấp thiết. Đồng thời với đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần tích cực triển khai mạnh mẽ các phương án hỗ trợ nhằm bảo đảm cho người dân khi “ở yên” tại chỗ có đủ lương thực, thực phẩm.

Tôi cho rằng, sự thay đổi về chính sách ưu tiên vaccine cho TP. Hồ Chí Minh và thực hiện tốt phương châm “ai ở đâu, ở yên đó” sẽ là những yếu tố đặc biệt quan trọng để chúng ta có thể dần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư này.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, từ Lời kêu gọi lần này của Người đứng đầu Đảng ta cùng những điều chỉnh kịp thời về mặt chính sách, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm tình hình từng thời điểm diễn biến dịch bệnh Covid -19, Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng đại dịch. Và như lời của Tổng Bí thư, đó là "phải chiến thắng cho bằng được".

Trung Thành ghi