Khơi dậy tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến

- Thứ Tư, 12/05/2021, 06:32 - Chia sẻ
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” ngày 11.5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, giá trị chân - thiện - mỹ không còn giống như trước, xuất hiện đạo đức mạng xã hội, lối sống số… Do đó chúng ta cần nhận diện các giá trị mới, giá trị cũ được làm mới, để tác động cho trúng và đúng. Từ đó, khơi dậy tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.
	Dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các nhà trường. Ảnh: Đăng Chung
Dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các nhà trường.
Ảnh: Đăng Chung

Nhiều kết quả thiết thực

Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020" nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Nhiều năm qua, các trường học tại tỉnh Bắc Ninh đưa quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường. Đây là một trong những giải pháp nhằm góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương.

Cô Nguyễn Thị Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Cường 2 (TP. Bắc Ninh) cho biết: “Mỗi năm các em chỉ cần học 1 - 2 bài hát quan họ nên thuộc nhanh. Thêm nữa, câu lạc bộ quan họ của các nghệ nhân tại khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, dạy miễn phí ngoài giờ nên phong trào học hát quan họ phát triển mạnh mẽ…”. Theo cô Hoài, việc học sinh tiếp xúc, học hát quan họ từ sớm sẽ rất tốt, góp phần hình thành nhân cách, truyền cho các em lửa “đam mê”, từ đó có ý thức giữ văn hóa của quan họ cổ.

Ứng dụng công nghệ thông tin, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) đã xây dựng hệ sinh thái học tập đồng bộ trên không gian mạng. PGS.TS. Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, “ngoài thông tin mang tính thông báo nội bộ, chúng tôi ưu tiên đăng tải bài viết, hình ảnh về người tốt, việc tốt, các sự kiện trọng đại của đất nước, hoặc phát động các cuộc thi trực tuyến có chủ đề liên quan. Qua đó, nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Công việc này được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, đều đặn trên tất cả các kênh thông tin của trường nhằm bảo đảm mọi sinh viên đều có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi”.

Thực hiện đề án, công tác phát triển đảng viên mới của Đảng bộ Trường Đại học Thủy Lợi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo GS.TS. Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại họcThủy Lợi, trong 5 năm, Đảng bộ đã kết nạp được 426 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 362 sinh viên (chiếm tỷ lệ gần 85% tổng số đảng viên mới). Đại bộ phận sinh viên được kết nạp là những đoàn viên ưu tú, là cán bộ đoàn, cán bộ lớp, đi đầu và có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào của lớp, của khoa, của trường như: văn nghệ, thể thao, tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động tình nguyện...

Báo cáo của Bộ GD - ĐT cho thấy, giai đoạn 2015 - 2020, cả nước đã có hơn 2 triệu đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên được kết nạp Đảng. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng được tăng cường. Qua đánh giá, 100% chỉ tiêu trong đề án đã cơ bản được hoàn thành.

Quan tâm đến thiết chế văn hóa

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần có giải pháp quyết liệt hơn trong giai đoạn tới. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí để các địa phương triển khai tăng cường cơ sở vật chất, sân chơi bãi tập, các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong trường học và tại nơi cư trú.

Bộ GD -  ĐT sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án giai đoạn 2021 - 2025 với quan điểm tiếp tục tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy trong thanh niên, học sinh, sinh viên tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cho rằng, giáo dục một con người phải bắt đầu từ nhỏ, nên cần nhiều hơn nữa các thiết chế giáo dục. “Tôi thiết tha đề nghị các địa phương xem cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi là quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi. Hiện nay nhiều nhà thiếu nhi được vào sáp nhập nhà văn hóa, cung thanh niên... trong khi mỗi độ tuổi có tâm sinh lý khác nhau, phương pháp tiếp cận khác nhau, cần có thiết chế giáo dục khác nhau. Quan điểm sáp nhập là phải tinh gọn, hiệu quả, nhưng một số địa phương mới chỉ quan tâm đến tinh gọn mà chưa quan tâm đến hiệu quả của việc sáp nhập”, ông Bùi Quang Huy nói.

Mặt khác, theo Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc, trước kia công tác giáo dục mang tính hàn lâm, nhưng khi chuyển sang Chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng đến phẩm chất, năng lực học sinh thì việc giảng dạy, giáo dục cho học sinh, sinh viên đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nhiều nơi, việc dạy người và dạy chữ chưa cân bằng. Đại điện Tỉnh đoàn Khánh Hòa cũng cho rằng: “Chúng ta cần những con người khỏe mạnh, bản lĩnh, có trái tim giàu xúc cảm, có cái đầu tri thức biết phân biệt đúng sai. Giáo dục con người ngày nay cần cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng sống".

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình liên tục từ mầm non đến đại học. Học hỏi là quá trình bồi dưỡng suốt đời. Giá trị chân - thiện - mỹ thời đại số không còn giống thời trước, đã xuất hiện đạo đức mạng xã hội, lối sống số… Do đó, chúng ta cần nhận diện các giá trị mới, giá trị cũ được làm mới, để tác động cho trúng và đúng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng là việc hệ trọng, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa thời gian tới, vì đây là một phần của công việc đổi mới giáo dục đào tạo. "Công việc này cần được đổi mới về nhận thức, hành động, phương pháp, nội dung, quan điểm, quy mô, chiều sâu, số lượng và chất lượng. Ngành giáo dục - đào tạo sẽ đưa nội dung này vào chương trình hành động thời gian sắp tới" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Khải Minh