Huyện Mèo Vạc, Hà Giang:

Khởi động chiến dịch trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn

- Thứ Hai, 25/10/2021, 19:41 - Chia sẻ
Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ phát động “Chiến dịch Trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục Rừng đầu nguồn Mèo Vạc”. Đây là sự kiện hưởng ứng Chương trình Trồng mới 1 tỷ cây xanh-Vì một Việt Nam Xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường Vũ Minh Lý trao biểu trương tài trợ chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục Rừng đầu nguồn ở Mèo Vạc
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường Vũ Minh Lý trao biểu trương tài trợ chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục Rừng đầu nguồn ở Mèo Vạc

Báo cáo tại buổi lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Hồng Mí Sinh cho biết: Mèo Vạc là một trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất trong cả nước, bà con nơi đây trên 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ còn nhiều hạn chế về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là việc thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt kéo dài 4-6 tháng/năm. Trước đây, do tác động của thời tiết khí hậu khắc nghiệt như sương muối, mưa tuyết, rét đậm, rét hại và nhu cầu lấy gỗ làm nhà, nhu cầu về chất đốt nên nhiều diện tích rừng của huyện nói chung và diện tích rừng đầu nguồn nói riêng bị khai thác, chặt phá, diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng, đã có nhiều diện tích rừng được khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi, đến nay toàn huyện có hơn 20.500 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 35%.

Các đại biểu và nhân dân hăng hái trồng cây tại huyện Mèo Vạc
Các đại biểu và nhân dân hăng hái trồng cây tại huyện Mèo Vạc

“Sự kiện ký kết triển khai chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn cho Mèo Vạc là vô cùng ý nghĩa đối với người dân các dân tộc Mèo Vạc. Khi dự án được triển khai sẽ góp phần tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn huyện về công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Mí Sinh nói.

	Các đại biểu và người dân chụp ảnh lưu niệm sau khi đã trồng mới cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn và bảo vệ môi trường
Các đại biểu và người dân chụp ảnh lưu niệm sau khi đã trồng mới cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn và bảo vệ môi trường

Phát biểu tại buổi lễ, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường Vũ Minh Lý chia sẻ: Việc Trung tâm phối hợp với một số đơn vị khởi động chiến dịch trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn tại Mèo Vạc có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, trồng cây xanh sẽ góp phần giữ nước đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng toàn huyện và tạo lá phổi xanh ngăn chặn bụi bặm và cải thiện chất lượng không khí theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, thông qua kế hoạch này sẽ từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc về việc trồng cây để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngay sau Lễ phát động, các đại biểu và nhân dân địa phương đã tổ chức trồng hàng nghìn cay sa mộc tại xã Khâu Vai và các xã thuộc huyện Mèo Vạc. Đồng thời ký biên bản bàn giao cho UBND huyện, xã quản lý và các hộ gia đình chăm sóc, duy trì, bảo vệ cây.

Hưởng ứng chương trình, cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh Trường THCS và THPT Marie Curie đã đóng góp trồng mới 12ha rừng tạo nên “Khu rừng Marie Curie” ở huyện Mèo Vạc - Hà Giang. Nhân dịp này, Công ty cổ phần Check in Việt Nam đã trao tặng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh xã Khâu Vai 1 tấn gạo, 700 quyển vở, áo mũ, và 20 thùng sữa…

Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu với 17 xã và 1 thị trấn. Với địa thế đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 1.150m, nhân dân thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. Tỷ lệ hộ nghèo cao trên 35% tổng số hộ; dân số toàn huyện trên 95% là dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông; hoạt động phát triển kinh tế chủ yếu vẫn là thuần nông. Dự kiến sẽ có hơn 1000 cây được trồng mới trên khoảng 672 ha. Các loại cây được chọn trồng gồm: Sa Mộc, Tống Quáng Sủ, Keo, Mỡ, Trẩu, Hồi, Quế, Giổi, Gạo, Sấu, Sơn Tra (Táo Mèo), Trám, Sở, Kháo Cài, Mác Rạc, Thông đỏ; cây Lê, Mận, Đào, Hồng không hạt, Óc chó…

Nhật Anh