Bình Dương

Khôi phục kinh tế với lộ trình hợp lý

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 11:32 - Chia sẻ
Sau thời gian chống dịch, đến nay Bình Dương đã có 6/9 địa phương đạt “vùng xanh” bước vào trạng thái “bình thường mới”. Dù có nhiều tín hiệu khả quan để từng bước khôi phục kinh tế, song lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, tỉnh sẽ bám sát theo kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội với lộ trình hợp lý.
Dịch bệnh từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi kinh tế - xã hội
Dịch bệnh từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi kinh tế - xã hội

Xuất khẩu gần 23 tỷ USD

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, tình hình dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những tháng qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng từ phía người dân và doanh nghiệp đã giúp tỉnh từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Kết quả phòng, chống dịch đã có những chuyển biến tích cực theo thời gian. Ngành y tế của tỉnh đã từng bước nâng cao khả năng thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 khi số ca bệnh cũng như số ca tử vong giảm; tỉnh đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên và khoảng 50.000 người được tiêm mũi 2.

Đến nay, tỉnh đã có 6/9 địa phương đạt vùng xanh gồm: TP. Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Các vùng xanh được thiết lập, mở rộng, kết nối với nhau tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động lưu thông.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, trong tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh (IIP) giảm gần 11%, tuy nhiên tăng trưởng công nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,6 tỷ USD, giảm 12,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu của tỉnh ước đạt 22 tỷ 974 triệu USD, tăng 37,31% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường đầu tư, tỉnh Bình Dương vẫn xúc tiến và có kết quả khả quan, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đăng ký đầu tư vào Bình Dương. Mặc dù dịch bệnh nhưng đến nay vẫn có 1,4 tỉ USD đăng ký đầu tư vào Bình Dương. Điều này cho thấy doanh nghiệp nước ngoài vẫn tin tưởng môi trường kinh doanh ở Bình Dương và Việt Nam. Sau khi dịch được khống chế, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động đầu tư.

Đại diện Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh thông tin, đến nay các khu công nghiệp trên địa bàn tiêm vaccine phòng Covid-19 bao phủ cho trên 95% lao động, 163 doanh tổ chức xét nghiệm cho 115.000 lao động (qua đó phát hiện 0,28% lây nhiễm Covid-19). Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xét nghiệm sàng lọc để đưa công nhân trở lại nhà máy để khôi phục lại hoạt động sản xuất; đồng thời sẽ cố gắng tiêm mũi 2 cho công nhân càng nhanh càng tốt.

Hiện toàn tỉnh có hơn 30% doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” với khoảng 400.000 lao động tham gia. Đại diện các khu công nghiệp cho biết, các doanh nghiệp đang dần chuyển đổi từ phương án sản xuất “3 tại chỗ” sang mô hình “3 xanh”. Đến nay, đã có 386 doanh nghiệp đăng ký để quay lại sản xuất, với 52.820 lao động.

Bên cạnh đó, qua xét nghiệm sàng lọc, kết quả tỉ lệ lây nhiễm trong công nhân lao động ở nhà máy rất thấp. Việc áp dụng phương án “3 xanh” (nhà máy, công nhân và nhà trọ xanh) bắt đầu được thực hiện có sự phối hợp, gắn kết và có hiệu quả. Đây là những tín hiệu khả quan để doanh nghiệp tái sản xuất và kinh tế phục hồi tại tỉnh Bình Dương.

Các “vùng xanh” trở lại trạng thái bình thường mới
Các “vùng xanh” trở lại trạng thái bình thường mới

An toàn mới tổ chức sản xuất

Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã chỉ ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm phục hồi kinh tế những tháng cuối năm. Theo ông Minh, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm là khó khăn do chủ yếu phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xác định đây là tình hình chung của cả nước, Bình Dương thống nhất không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp, doanh nghiệp, chung tay vượt qua khó khăn. Đây sẽ là tiền đề, động lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo của cả nhiệm kỳ. Dựa trên tình hình thực tế, 5 nhóm giải pháp cũng được Bình Dương đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu những tháng cuối năm.

Đầu tiên là thực hiện nhiều giải pháp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trong trạng thái bình thường mới. Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các công ty. Nguyên vật liệu đầu vào và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông cũng cần đảm để không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.

Bình Dương đã xây dựng lộ trình phục hồi các hoạt động về kinh tế chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 15.9 - 31.10; giai đoạn 2, từ ngày 1.11 hết tháng 12.2021 và giai đoạn 3 từ năm 2022. Trong đó, giai đoạn 1 vẫn tập trung vào phòng chống dịch bệnh ở vùng đỏ và từng bước nới lỏng giãn cách ở “vùng xanh”, để người lao động và doanh nghiệp làm quen với trạng thái bình thường mới và có các bước chuẩn bị để tái sản xuất. Giai đoạn 2, tiếp tục hoàn thành tiêm chủng mở rộng, hoàn thành việc bóc tách F0. Nếu dịch bệnh được khống chế trong giai đoạn này sẽ tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp quay trở lại sản xuất và phục hồi kinh tế vào cuối năm 2021 và đầu 2022.

Thứ hai, tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các vùng xanh trên địa bàn. Công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi cần thực hiện tốt nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bình Dương cũng thành lập các tổ công tác để nhanh chóng giải quyết khó khăn trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động.

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng sẽ được chú trọng để kịp thời hỗ trợ tạo việc làm mới cho người lao động. Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cần được triển khai nhanh nhằm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống người dân. Cuối cùng, Bình Dương cần đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Trước mắt, Bình Dương sẽ bám sát theo kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội với lộ trình hợp lý. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cũng nhấn mạnh, phục hồi kinh tế là cần thiết; song không vì thế mà nóng vội cho mở cửa ngay mà trên tinh thần “xanh đến đâu giữ xanh đến đó, đỏ đến đâu chiến đấu đến đó”, hoạt động sản xuất phải an toàn thì mới được sản xuất.

Nhật Phương