Khởi sắc nhờ tín dụng nông nghiệp

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:46 - Chia sẻ
Trên những xã, huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhờ nguồn tín dụng nông nghiệp, nhiều ngư dân đã không còn phụ thuộc vào nguồn thu duy nhất từ những chuyến đi biển dài ngày, mang theo nhiều may rủi thời tiết.
Nhờ tín dụng nông nghiệp, nhiều vùng quê đã thay da đổi thịt
Nguồn: ITN

Vươn lên từ vốn nông nghiệp

Giống như rất nhiều hộ dân trên đảo Bình Ba Tây, xã Cam Bình, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, hộ gia đình bà Đỗ Thị Thanh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Vậy nhưng, chỉ đến khi tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng, cuộc sống của gia đình bà Thanh và nhiều hộ dân nơi đây mới dần khởi sắc.

Bà Thanh cho biết, nhờ số vốn gần 300 triệu đồng vay từ Ngân hàng LienVietPostBank, thế chấp bằng nhà đất trên đảo, ban đầu gia đình bà đã đầu tư 10 lồng tôm hùm xanh. Sau 2 năm, từ hộ cận nghèo, hiện gia đình đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, có của ăn của để, xây được nhà mới khang trang, mua sắm đủ tiện nghi. “Trước đây tôi phải đi làm thuê cho các trại nuôi tôm trên đảo, nay tôi đã làm chủ trại nuôi của mình, với cả thảy 25 lồng tôm hùm xanh, sản lượng đến kỳ thu hoạch khoảng 2,5 tấn. Đợt thu hoạch này tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng và đã có số vốn lớn tiếp tục đầu tư”, bà Thanh hồ hởi.

Trước khi tiếp cận được nguồn vốn lên tới hàng trăm triệu như hiện tại, gia đình bà Thanh đã từng có kinh nghiệm vay vốn tại một số tổ chức tài chính. Tuy vậy, số vốn lại khiêm tốn, ở mức chỉ vài chục triệu và thời gian giải ngân lâu khiến gia đình bà chuyển hướng tới những ngân hàng thương mại cổ phần, nơi số vốn vay nhiều hơn và thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn.

“Ở xã đảo chúng tôi, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, do đất ở đảo không có giá trị cao nên khó bảo đảm được số tiền vay nhiều, ngân hàng cũng ngại qua đảo cho vay do việc đi lại và di chuyển bằng ghe, thuyền khó khăn. Bây giờ, chuyện đó chỉ còn là dĩ vãng nhờ nguồn vốn vay kịp thời từ ngân hàng thương mại”, bà Thanh nhớ lại.

Nợ xấu trong nông nghiệp chỉ khoảng 1%

Thực tế triển khai cho thấy, tín dụng nông nghiệp không những giúp cuộc sống của các hộ nông dân được cải thiện, mà ở chiều ngược lại cũng là mảng nghiệp vụ giúp nhiều ngân hàng củng cố một nguồn thu ổn định và có sức chống chịu rủi ro cao.

Theo đại diện của LienVietPostBank, tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn đóng góp một phần đáng kể trong cơ cấu cho vay và doanh thu hàng năm tại ngân hàng này. Tỷ trọng này đã vươn từ 22% lên 32% trong năm 2020, với tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt xấp xỉ 57.000 tỷ đồng. Nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp ghi nhận quanh mức 1%, nhờ việc phân tán rủi ro qua các khoản vay nhỏ lẻ, nắm sát hoạt động kinh doanh và nguồn thu của các khách hàng. Bên cạnh đó, nợ xấu từ các sản phẩm cho vay tín chấp qua mô hình tổ liên kết vay vốn cũng ở mức khá thấp, nhờ có sự giám sát chéo hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả nợ của chính những thành viên tham gia tổ hội như hội phụ nữ, hội nông dân…

Đánh giá về tính bền vững của hoạt động cho vay nông nghiệp, ngân hàng này cho rằng nhờ tính chất nhỏ lẻ của các khoản vay, cùng mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ hoặc siêu nhỏ với đặc tính dễ thay đổi hoặc thích nghi trước những biến động kinh tế hay ảnh hưởng của dịch Covid-19, năng lực hoàn trả các khoản nợ của người đi vay tại khu vực này thường cao hơn những ngành nghề khác.

Tới thời điểm hiện tại, ngân hàng này đã có 556 chi nhánh và phòng giao dịch tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, bên cạnh cánh tay nối dài 613 phòng giao dịch bưu điện và những tổ liên kết vay vốn. Đây là những lợi thế cho phép ngân hàng nắm rõ nhu cầu tài chính của người dân trên từng địa bàn và thẩm định chính xác tài sản thế chấp, qua đó triển khai nhiều sản phẩm cho vay phù hợp, từ nông nghiệp tới hưu trí, cho tới tư vấn về cách làm kinh tế trong cộng đồng nông thôn.

“Cho vay nông nghiệp, nông thôn sẽ tiếp tục là định hướng của LienVietPostBank trong những năm tới đây. Với tiềm năng còn chưa được khai phá hết của lĩnh vực nông nghiệp hay khu vực nông thôn nói chung, LienVietPostBank sẽ nâng cao sự hiện diện, tiến tới xã nào trong cả nước cũng tiếp cận được nguồn vốn nông nghiệp từ ngân hàng để cải thiện kinh tế và làm giàu trên mảnh đất quê hương”, đại diện LienVietPostBank nhấn mạnh.

An Ly