Khơi thông điểm nghẽn

- Thứ Ba, 12/01/2021, 06:04 - Chia sẻ
Giảm bớt thủ tục, thành phần hồ sơ khi giải quyết bồi thường trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là mục tiêu đặt ra trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế cho Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Với mục tiêu tăng cường minh bạch và giảm nhẹ gánh nặng cho bên mua bảo hiểm là chủ xe, lái xe, Dự thảo quy định, trong trường hợp các vụ tai nạn giao thông không xảy ra tử vong, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động phối hợp với bên mua bảo hiểm là chủ xe, lái xe và các bên liên quan thiết lập hồ sơ mà không phải thu thập tài liệu từ phía cơ quan có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm.  

Trong trường hợp vụ tai nạn gây tử vong, hồ sơ bồi thường phải bổ sung bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu là thu thập từ cơ quan công an. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thu thập bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ 3 và hành khách, như: Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn; Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông hoặc thông báo kết luận điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông (khi đã kết thúc điều tra). Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ chịu trách nhiệm lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất trên cơ sở thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

Đối chiếu với những quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, Nghị định số 214/2013/NĐ-CP thì thấy, đề xuất này đã giảm gánh nặng việc thu thập hồ sơ đối với chủ xe rất nhiều. Chẳng hạn, theo quy định cũ, ngoài bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính thì lái xe phải có các loại giấy tờ như: Giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của lái xe; giấy chứng nhận bảo hiểm.

Quy định này vừa tạo gánh nặng trong quá trình tuân thủ pháp luật; lại chưa bao quát được thực tế. Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ có bản chứng thực giấy đăng ký xe do bản gốc đang sử dụng thế chấp tại tổ chức tín dụng thì sẽ không đáp ứng được điều kiện về hồ sơ bồi thường.

Một điểm đáng chú ý nữa của Dự thảo là đề xuất tăng mức trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại về người lên đến 50%. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến nâng mức trách nhiệm bảo hiểm từ 100 triệu đồng hiện nay lên 150 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong do xe cơ giới gây ra thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại. Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của tòa án nhân dân, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết). Trong khi đó, về phí bảo hiểm cơ bản sẽ giữ nguyên với mức 66.000 đồng/1 năm đối với xe máy.

Hy vọng với các sửa đổi, bổ sung này sẽ khơi thông các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhất là phương tiện xe máy. Theo thống kê của Bộ Tài chính, sau 10 năm thực hiện quy định về loại hình bảo hiểm này, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).

Phạm Hải