Không ai bị bỏ lại phía sau

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:43 - Chia sẻ
Theo dõi 2 ngày thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đợt 2, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được truyền hình trực tiếp, đông đảo cử tri và Nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa chắc chắn sẽ rất phấn khởi. Bởi, những vấn đề đặt ra hiện nay đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau đã được những người đại diện của mình phản ánh, đề xuất hết sức thiết thực tại nghị trường kỳ họp.
ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 9.11
Ảnh: Quang Khánh

Nhiều đề xuất thiết thực cho "tam nông"

Tại nghị trường phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn, dành nguồn lực thích đáng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là nền tảng căn cốt và cần xác định rõ bất luận trong hoàn cảnh nào thì nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ, bảo đảm cho sự phát triển ổn định của xã hội và là tiền đề cho các bước phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo.

Có thể thấy, đề xuất này càng thiết thực hơn trong giai đoạn trong và sau dịch Covid-19, đặt ra yêu cầu Chính phủ sớm có những giải pháp thiết thực hỗ trợ phục hồi ngay khu vực dễ bị tổn thương này. Không chỉ để phát triển khu vực có lực lượng lao động dồi dào, phát triển ngành được xác định là “trụ đỡ” chính của nền kinh tế, mà còn góp phần khắc phục tình trạng nông dân phải xa xứ mưu sinh, gây không ít hệ lụy cho đời sống xã hội.

Liên quan đến lĩnh vực này, một vấn đề nổi cộm lâu nay tiếp tục được các đại biểu đề cập, hiến kế, đó chính là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp để không những giảm thiểu tình trạng được mùa, rớt giá, không phải lặp đi lặp lại câu chuyện “giải cứu” cho nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Quan trọng hơn là nâng cao giá trị sản xuất để người dân gắn bó hơn với nông nghiệp, nông thôn.

Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Đó là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng những mô hình mới, kết nối cung cầu, tăng cường liên kết vùng hiệu quả hơn, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chính quy, chuyên nghiệp hơn. Chú trọng liên kết vùng và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nông dân. Ngành ngoại giao, ngành công thương tiếp cận thị trường nước ngoài, tư vấn cho nông dân để có nơi tiêu thụ nông sản thường xuyên…

Cùng với những giải pháp đại biểu đề xuất, ở góc độ địa phương, sự chủ động của chính quyền trên cơ sở tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ số để tăng cường kết nối cung cầu; tạo ra những kênh, nền tảng bán hàng trực tuyến như một số tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… thời gian qua đã cho thấy hiệu quả thiết thực trong đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các đại biểu cũng đã đề xuất việc sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các tổ chức dần hình thành những đơn vị sản xuất có quy mô lớn; đồng thời, tăng cường liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Hay một vấn đề đông đảo cử tri quan tâm hiện nay cũng đã được phản ánh, đó là giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất từ đầu năm đến nay không ngừng tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng vọt. Trong khi đó, giá các sản phẩm nông nghiệp lại bấp bênh đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trong tiếp tục duy trì sản xuất. Cử tri rất mong muốn Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành Trung ương trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như kiến nghị của đại biểu để giảm khó khăn cho sản xuất.

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Cùng với các giải pháp cho tam nông, tâm tư, nguyện vọng của cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được những người đại diện của mình thể hiện trách nhiệm trong 2 ngày thảo luận.

Điển hình, theo ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang): sau 16 tháng kể từ khi có Nghị quyết của Quốc hội, đến tháng 10.2021, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 1: 2021 - 2025. Các dự án thuộc Chương trình trong kế hoạch năm 2021 đến nay đều chưa triển khai được vì chưa được giao vốn. Trong khi đó, hầu hết các chương trình, chính sách dân tộc đã hết hiệu lực vào năm 2020. Nhiều chính sách được tích hợp vào chương trình khác. Lo lắng trước thực trạng không triển khai kịp thời Chương trình làm cho các chính sách dân tộc bị gián đoạn, làm chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bào khu vực vốn đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đồng thời chấn chỉnh, xác định rõ nhiệm vụ thực thi của từng bộ, ngành, địa phương và cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện thời gian tới.

Cũng phản ánh nội dung này, ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề xuất: Cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ở góc độ khác, qua nghiên cứu Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng: Mức độ quan tâm, vai trò và tác động của các chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất khiêm tốn. Với mong muốn đồng bào tiếp tục được quan tâm, được tham gia nhiều hơn để không bị bỏ lại phía sau, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng, hoặc lồng ghép cụ thể hơn vào các chính sách chung, những đặc thù liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022 cũng như trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Xem xét, bổ sung riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, như: chỉ tiêu về giảm nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bác sĩ - giường bệnh trên 1 vạn dân; đồng thời, có giải pháp cụ thể đạt được các chỉ tiêu được bổ sung này.

SONG NGUYÊN