Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII

Không bao che, dung túng cho vi phạm

- Chủ Nhật, 26/12/2021, 06:22 - Chia sẻ
Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII mới đây, liên quan đến công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị, UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan quyết liệt xử lý, không dung túng, bao che các hành vi vi phạm.
Đại biểu Lục Thị Liên đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở Lao động, Thương bình và Xã hội
Ảnh: Diệp Anh

Dứt điểm thất thu thuế trong khai thác khoáng sản

Không ngoài mong đợi của cử tri, chất vấn làm rõ trách nhiệm và giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản của đại biểu Nguyễn Thị Thùy An đã làm “nóng” nghị trường ngay từ những phút đầu tiên. Giám đốc Sở TN - MT Hoàng Quốc Việt cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện chống thất thu trong khai thác khoáng sản. Hiện, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với 12 doanh nghiệp có quy mô lớn, nhất là liên quan đến khai thác sai thiết kế, thất thu thuế. Đoàn đã kiểm tra doanh nghiệp đầu tiên tại huyện Quỳ Hợp và truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng; tiến tới trình UBND tỉnh xử phạt 345 triệu đồng”, ông Việt chia sẻ.

Giải trình thêm vấn đề này, Cục trưởng Cục Thuế Trịnh Thanh Hải cho biết: Hiện, ngành thuế đang quản lý 294 tổ chức, doanh nghiệp có khai thác khoáng sản, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Năm 2020, các doanh nghiệp này đã nộp 869 tỷ đồng; 11 tháng năm 2021 là 1.125 tỷ đồng… Ngành đã tham mưu nhiều biện pháp chống thất thu thuế như: Xây dựng định mức tiêu hao vật liệu nổ trong khai thác đá, định mức tiêu hao năng lượng trong chế biến đá; xác minh hàng hóa qua cảng; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ở địa bàn huyện Quỳ Hợp... Theo đó, năm 2020 đã truy thu xử phạt hơn 25 tỷ đồng; 11 tháng của năm 2021 truy thu xử phạt 15,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thanh Hải, công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trước hết, đó là tình trạng khai thác trái phép hoặc khai thác vượt công suất thiết kế. Bên cạnh đó, còn tình trạng kê khai thuế và sản lượng thấp hơn nhiều so với thực tế. Ngành thuế đã rà soát và phát hiện ra hiện tượng này. Tuy nhiên, lại không đủ thẩm quyền và không có nghiệp vụ để xác định sản lượng thực tế khai thác chính xác.

Trả lời chất vấn của đại biểu Chu Thế Huyền về giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trữ lượng khai thác khoáng sản trong quyết định cấp phép và thực tế khai thác có sự vênh nhau, Giám đốc Sở TN - MT cho biết: Tình trạng này xảy ra ở doanh nghiệp khai thác mỏ thiếc tại Quỳ Hợp, Sở đã cho kiểm tra. Nguyên nhân, do trước đây thăm dò, đánh giá trữ lượng ở mức được cấp phép nhưng trong quá trình khai thác phát hiện thêm sản lượng… “UBND tỉnh đang chỉ đạo để rà soát các trường hợp này nhằm xử lý và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện kê khai lại theo trữ lượng thực tế khi phát hiện thêm sản lượng”, ông Việt khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị, UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kiên quyết, quyết liệt, không dung túng bao che hành vi khai thác khoáng sản trái phép, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không bảo đảm quy định về môi trường.

Tăng cường kết nối cung cầu lao động

Liên quan đến đề nghị của đại biểu Hồ Văn Đàm về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ nhân lực để sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Sở LĐ, TB và XH Đoàn Hồng Vũ cho biết: Vấn đề kết nối cung cầu lao động đang rất khó khăn. Trên địa bàn có 260 doanh nghiệp cần tuyển khoảng 29.000 lao động. Nghịch lý nằm ở chỗ trong mỗi năm, thị trường lao động của tỉnh có thêm khoảng 47.000 lao động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được nhân lực phù hợp... “Nguyên nhân chính là giữa cung và cầu chưa gặp nhau”, ông Vũ lý giải và cho biết thêm: Nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng phương án sử dụng lao động, vị trí việc làm và lực lượng lao động. Bên cạnh đó, trong số 65% lao động đã qua đào tạo chỉ có 25% có chứng chỉ nên doanh nghiệp rất khó tuyển dụng.

Về giải pháp, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch và triển khai việc làm, đào tạo nghề để người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tìm được nhân lực. Đồng thời, phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu việc làm đến cấp xã, gửi nhu cầu của doanh nghiệp đến người lao động. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, cung cấp thông tin cho người lao động tìm hiểu. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Lục Thị Liên về chất lượng việc làm, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm sẽ giải quyết bình quân cho 42.000 lao động, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; nâng tỷ lệ lao động làm việc trong tỉnh lên 66,2%; giảm tỷ lệ lao động làm việc ngoại tỉnh xuống còn 6,4%; giảm tỷ lệ lao động xuất khẩu còn 27,4%... Sở đang tham mưu đề án đào tạo kỹ năng nghề theo hướng tăng đào tạo cao đẳng, trung cấp, giảm đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng; kết hợp tăng đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động. Tiếp tục tăng cường kết nối 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho người lao động, để khi người lao động vào làm việc sẽ cơ bản tiếp cận được máy móc hiện đại”, ông Vũ cho biết.

Diệp Anh