Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang

“Không biết bao giờ mới nhập hàng trở lại”

- Thứ Hai, 16/09/2019, 08:02 - Chia sẻ
Là một trong số những ngành tiểu thủ công nghiệp có số mặt hàng phụ trợ lớn nên việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu khiến không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, xưởng sản xuất hương nhang bị ảnh hưởng nặng nề mà cả những hộ kinh doanh nguyên vật liệu như tăm (chân hương), bột đen, keo... cũng điêu đứng. Song, điều khiến các hộ này lo lắng, phấp phỏng hơn cả, như lời anh Nguyễn Văn Tưởng - chuyên nhập vầu từ Thanh Hóa, Nghệ An để làm tăm, là “không biết bao giờ mới nhập hàng trở lại”.

“Chẳng còn ai sản xuất nữa”

Hai tuần nay, các xưởng làm tăm nhang ở thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội - vựa tăm nhang lớn nhất cả nước - đồng loạt đóng cửa. “Chẳng còn ai sản xuất nữa, nhà tôi cũng vậy”, anh Nguyễn Văn Quyền ngán ngẩm.

Xưởng làm tăm nhang của anh Quyền hoạt động từ năm 2011. “Tôi đầu tư 2 tỷ đồng thuê đất dựng nhà xưởng, mua gần chục máy chẻ tăm và chà bóng. Bình thường tôi có 35 - 40 nhân công chủ yếu là phụ nữ tuổi ngoài 40. Máy móc chạy rầm rập, hàng làm đến đâu bán đến đó”. Nhưng hơn chục ngày nay cả xưởng im lìm. Hôm rồi, công an gọi anh Quyền đưa người lao động đi tập huấn phòng cháy chữa cháy. “Tôi bảo mấy chục người làm nghỉ hết rồi, giờ chỉ còn vợ chồng tôi đi tập huấn có được không”, anh Quyền kể. Mỗi ngày mở mắt ra nhìn máy móc nằm không cùng với những bao tăm nhang thành phẩm chất đống và mớ nguyên liệu tồn đọng, vợ chồng anh Quyền “sốt hết cả ruột” khi nghĩ đến tiền trả lãi ngân hàng và thuê mặt bằng. “Cứ đà này vợ chồng tôi đến vỡ nợ”, giọng anh Quyền mệt mỏi.

“Lẽ ra phía Ấn Độ phải báo trước để chúng tôi còn liệu”, chị Nguyễn Thị Hương, kế toán Công ty Dương Nhi vừa nói vừa thở dài. Công ty Dương Nhi chuyên làm tăm cho thị trường Ấn Độ từ 3 năm nay. “Đáng ra ngày 31.8, công ty bốc 2 container tăm nhang nhưng tối đó xe không về. 350 tấn tăm nhang nằm trong nhà trị giá 7 - 8 tỷ đồng giờ chưa biết thế nào. Mà tăm cho Ấn Độ ngắn hơn loại thông thường, nếu Ấn Độ không nhập nữa thì chúng tôi không biết bán đi đâu”!

Ngoài Cầu Bầu, các thôn còn lại trong xã Quảng Phú Cầu đều làm tăm nhang và hầu hết ngừng hoạt động, anh Nguyễn Văn Tưởng, người chuyên nhập vầu từ Thanh Hóa, Nghệ An để bán lại cho các hộ làm tăm, nói. Trước khi Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang, mỗi tháng anh nhập 20 nghìn tấn vầu còn “bây giờ thì nghỉ hẳn”. “Đầu Thanh Hóa, Nghệ An suốt ngày gọi điện hỏi sao không nhập hàng, bao giờ nhập lại mà tôi không biết trả lời sao”, anh Tưởng kể.


Công ty Dương Nhi tồn 350 tấn tăm, trị giá 7 - 8 tỷ đồng

Các xưởng keo, bột… cũng đình trệ

Không riêng gì các xưởng tăm nhang mà ngay cả nhóm xưởng cung cấp bột, keo, than… phục vụ sản xuất hương xuất khẩu cũng trong tình cảnh đình trệ.

Rời quê nhà ở huyện Thái Thụy, Thái Bình vào Chư Sê, Gia Lai từ năm 2013 để mở xưởng thu gom, cung cấp keo bán cho các xưởng sản xuất hương xuất sang Ấn Độ, anh Hoàng Văn Du kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống đủ đầy cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Mỗi tháng, xưởng của anh cung cấp từ 120 - 150 tấn keo cho các xưởng sản xuất hương nhang từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 10 lao động. Thế nhưng, sau khi có thông báo Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang, công việc của anh bị đình trệ, tồn kho hơn 200 tấn hàng trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng. “Nếu tình hình này không được cải thiện trong một vài tháng tới, keo sẽ bị ẩm mốc, không còn độ cháy mà bị vữa ra thì hoặc phải bán tháo chịu lỗ, hoặc sẽ phải vứt bỏ hoàn toàn”, anh Du buồn bã.

Giở tập báo cáo sổ sách, anh Du cho biết, hiện, các chủ xưởng sản xuất hương đang nợ khoảng 7 tỷ đồng. “Tôi phải đi vay ngân hàng để bù vào số tiền này nhằm chi trả cho các chủ rừng cung cấp keo. Nếu tính cả tiền đầu tư máy móc, nhà xưởng, hệ thống vận chuyển, số tiền vay ngân hàng lên tới 10 tỷ đồng. Với mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 0,75 - 0,8%/tháng, tôi phải lo trả lãi trên dưới 80 triệu đồng, chưa kể tiền nhân công, điện nước… Tôi chỉ lấy được tiền nếu các chủ xưởng sản xuất bán được hàng, nhưng với tình hình này không biết đến khi nào mới có tiền nữa”, anh Du lo lắng.

Xưởng thu gom mùn tổng hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, xã Tam Tiến, Yên Thế, Bắc Giang cũng phải ngừng hoạt động nửa tháng nay vì “các chủ xưởng sản xuất hương thông báo không nhập hàng nữa vì không xuất sang Ấn Độ được”. Ông cho biết, trước đây, mỗi tháng xuất trung bình 30 tấn mùn tổng hợp cho các xưởng sản xuất hương ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... Bây giờ, hơn 30 tấn hàng với tổng giá tiền lên tới 900 triệu đồng đang ứ lại trong kho. Công nhân ngày nào cũng kéo đến hỏi thăm tình hình có tiếp tục sản xuất nữa không, chưa kể các hộ dân trong vùng cũng sốt ruột không biết xưởng có còn thu gom khiến vợ chồng ông Thắng “như ngồi trên đống lửa”.


Hầu hết xưởng sản xuất tăm hương ở Cầu Bầu đã đóng cửa

Điều khiến ông Thắng lo ngại nhất là “tôi gọi cho các anh chủ xưởng sản xuất hương hỏi thăm tình hình thì các anh ấy cũng chẳng biết đến khi nào mới hoạt động bình thường để nhập hàng trở lại”. Trong khi đó, ông Thắng phải mua chịu nguyên liệu trong dân. Các xưởng sản xuất nhập nguyên liệu về thường chậm thanh toán sau 1 - 2 tháng và “hiện số tiền này đã lên trên 700 triệu”. Như vậy, “nếu các xưởng này không xuất được hàng, không có tiền thanh toán thì bước đường cùng tôi phải chấp nhận đi vay lãi ngoài để trả tiền nguyên liệu cho các hộ dân”, ông Thắng buồn bã nói.

Cùng chung hoàn cảnh, xưởng cung cấp bột, bời lời phục vụ sản xuất hương nhang của anh Lê Đình Đô, xã An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình cũng phải cho 15 công nhân nghỉ việc từ 10 ngày nay. Nếu như trước đây, mỗi ngày xưởng của anh cung cấp 15 tấn bột và 2 tấn bời lời cho các xưởng sản xuất trong tỉnh thì nay, do Ấn Độ ngừng nhập khẩu hương nhang đẩy lượng hàng tồn kho lên hơn 50 tấn bột và 15 tấn keo, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. “Vợ chồng tôi đang lo không biết tháng này lấy đâu ra 20 triệu để trả lãi ngân hàng và hơn chục triệu trả tiền điện. Tiền lương cho công nhân có thể chậm được chứ tiền lãi ngân hàng, tiền điện thì không thể chậm”, anh Đô chia sẻ.

Trước nguy cơ phải đóng xưởng, anh Lê Đình Đô đề xuất Chính phủ cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh như trao đổi, đề nghị Ấn Độ giãn thời gian có hiệu lực của Thông báo số 15/2015 - 2020 về việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti). “Mới đây, chúng tôi được biết 3 công ty chuyên sản xuất máy làm hương đã lấy hợp đồng xuất sang Ấn Độ khoảng 100.000 máy làm hương. Nếu việc xuất khẩu này được thực hiện sẽ “xóa sổ” ngành sản xuất hương xuất khẩu trong nước, khiến hàng nghìn lao động mất việc. Do đó, chúng tôi rất mong Chính phủ có biện pháp bảo hộ ngành sản xuất hương nhang xuất khẩu trong nước”, anh Đô kiến nghị.

Hà Lan - Đan Thanh