Không chỉ là trách nhiệm

- Thứ Tư, 13/10/2021, 05:29 - Chia sẻ
Theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong kỳ giám sát từ ngày 1.1.2020 đến 30.6.2021, nhiều chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân 1 đến 2 ngày, thậm chí có người không tiếp dân ngày nào. Câu hỏi đặt ra là, Luật Tiếp công dân đã quy định, sao vẫn có người đứng đầu không thực hiện trách nhiệm tiếp công dân?

Luật Tiếp công dân quy định rõ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày/tháng. Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng thực hiện việc tiếp công dân đột xuất khi có vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Luật quy định là vậy, nhưng trên thực tế, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong 18 tháng qua, tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày; thậm chí có người không tiếp dân ngày nào. Không ít địa phương Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tiếp dân thay.

Việc Chủ tịch UBND tỉnh không thực hiện trách nhiệm, hay ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân là một tồn tại được nhắc đến khá nhiều. Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ Sáu, báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Ủy ban Thường vụ Quốc gửi tới Quốc hội Khóa XIV cho thấy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định. Báo cáo cũng cho thấy, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Cũng có tỉnh tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch UBND tỉnh so với quy định là 0%. Như vậy, từ đó đến nay, tồn tại này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Qua hoạt động tiếp công dân, giúp người đứng đầu nắm bắt và hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà người dân đang bức xúc, góp phần ngăn chặn phát sinh những điểm “nóng”, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội.

Dù không nhiều nhưng việc Chủ tịch UBND ở một số tỉnh không thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, hoặc ủy quyền cho cấp phó cho thấy, kỷ luật, kỷ cương thực thi pháp luật về tiếp công dân của những người đứng đầu chưa nghiêm. Không trực tiếp tiếp công dân, người đứng đầu không thể hiểu được những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc, để từ đó có giải pháp tháo gỡ và sửa đổi quyết định, chính sách kịp thời. Việc né tránh, hay vì bất kỳ lý do nào khác mà người đứng đầu không thực hiện trách nhiệm tiếp công dân là một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây bất ổn xã hội thời gian qua. Hơn nữa, điều này có thể dẫn tới quyền lợi chính đáng của người dân không được kịp thời bảo vệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc thực thi pháp luật về tiếp công dân chưa nghiêm là chế tài xử lý trách nhiệm vẫn còn là khoảng trống. Do đó, để không xảy ra tình trạng né tránh hoặc không thực hiện tiếp công dân, rất cần một cơ chế xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân không thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, người đứng đầu không tiếp công dân sẽ được coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, đây là căn cứ đánh giá cán bộ công chức hàng năm. Ngoài ra, bổ sung chế tài xử lý đối với người vi phạm khi không thực hiện việc tiếp công dân theo luật định.

Tiếp công dân không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự tận tâm, gần gũi với dân, vì Nhân dân phục vụ. Tiếp công dân để lắng nghe dân nhiều hơn, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, những bức xúc trong dân, giúp ngăn chặn phát sinh những điểm “nóng” về khiếu nại, tố cáo không đáng có. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, việc nhỏ không giải quyết thì thành việc lớn, việc lớn không giải quyết kịp thời thì thành đại sự.

Hà An