Bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân

Không chỉ trông chờ Nhà nước

- Thứ Hai, 12/10/2020, 06:47 - Chia sẻ
Bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân là một trong những mục tiêu đề ra trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực dành cho chương trình giảm nghèo vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Các thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị, cần tính toán kỹ nguồn lực để bảo đảm mức sống tối thiểu, đặc biệt là khả năng đáp ứng của người dân và chính quyền địa phương, còn lại do Nhà nước hỗ trợ.

Điều chỉnh mức sống tối thiểu phù hợp 

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, một trong các nhiệm vụ được Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội (Nghị quyết 76) về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 yêu cầu Chính phủ thực hiện là: Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo; điều tra, phân loại và công bố tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: T.Chi

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tháng 11.2015, Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm cả chỉ số thu nhập và sự thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là cơ sở để địa phương xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, triển khai các chương trình, cơ chế đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều đã bộc lộ một số hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đồng thời, mức chuẩn thu nhập không được điều chỉnh cho cả giai đoạn. Cụ thể, chuẩn nghèo về thu nhập trong giai đoạn 2016 - 2020 được xác định chỉ bằng 70% mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, tới nay chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, việc phân loại hộ nghèo thu nhập và hộ nghèo đa chiều chưa rõ chính sách. Một số chỉ số đo lường chưa cụ thể, khó xác định, chưa chuẩn xác, ảnh hưởng đến việc xác định hộ nghèo ở các địa phương...

Từ thực tế đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo dự thảo Nghị định, việc đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 gồm hai tiêu chí: Thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất áp dụng tiêu chí về thu nhập tương ứng với chuẩn mức sống tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/người/tháng, tăng 114,2%) và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (hiện nay là 900.000 đồng/người/tháng, tăng 122,2%). Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ngoài 5 dịch vụ đã áp dụng trong giai đoạn vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung dịch vụ “việc làm” với lý do đây là yêu cầu cơ bản quan trọng, giúp bảo đảm người dân có thể nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, có việc làm, có sinh kế. 

Tính kỹ nguồn lực

Tán thành với các tiêu chí này, các thành viên Ủy ban về vấn đề Xã hội cho rằng, đây là giải pháp mang tính phòng ngừa nhằm bảo đảm giảm nghèo bền vững hơn. Song điều khiến các đại biểu băn khoăn vẫn là nguồn lực để bảo đảm mức sống tối thiểu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề, Nghị quyết 76 đặt ra nhiệm vụ, đến hết giai đoạn này phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lực bảo đảm mức sống tối thiểu do Nhà nước chi cả hay do người dân, chính quyền địa phương cùng tham gia?

Với mức sống tối thiểu mới mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất nâng lên 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng thì nguồn lực dành cho chương trình giảm nghèo ước tính sẽ thiếu hụt hơn 20%. Như vậy, có nhất thiết phải bảo đảm mức sống tối thiểu hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước hay không? Hơn nữa, theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại thời điểm tháng 1.2021, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo. Nếu áp theo tiêu chí mới về thu nhập thì số hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo sẽ không dừng ở con số 16,6%. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị, Chính phủ cần bàn với các bộ, ngành để đưa ra mức sống tối thiểu hợp lý và tính toán kỹ khả năng đáp ứng của người dân và chính quyền địa phương là bao nhiêu, còn lại do Nhà nước hỗ trợ.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đề xuất nâng mức sống tối thiểu lên 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng là tính toán về hỗ trợ thu nhập. Đây mới chỉ là tiêu chí xác định chuẩn nghèo về thu nhập, bên cạnh đó còn những tiêu chí khác để xác định chuẩn nghèo. Mức sống tối thiểu hiện nay là khoảng 1,490 triệu đồng/người/tháng, được đưa ra vào đầu nhiệm kỳ. Song từ nay đến 5 năm sau đời sống của chúng ta sẽ rất khác. Vì lẽ đó,  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất nâng mức sống tối thiểu lên 1,5 - 2 triệu đồng/tháng là hợp lý. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, việc bảo đảm mức sống tối thiểu không phải tất cả chỉ trông chờ vào Nhà nước mà xã hội cần tham gia. Bộ đang tổng kết việc thực hiện xã hội hóa trong công tác giảm nghèo và sẽ phát động xã hội hóa trong giai đoạn tới. 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang tính tới việc tách các hộ “nghèo kinh niên” ra khỏi các hộ nghèo được hỗ trợ có điều kiện và chuyển sang diện được hưởng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo phương án này thì nhà nước sẽ phải đầu tư một khoản tiền rất lớn vì các hộ "nghèo kinh niên" cũng phải được hưởng mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ mà các đối tượng đang được bảo trợ xã hội, khoảng 500 - 800 nghìn đồng/người/tháng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, ngay cả khi tách hộ "nghèo kinh niên" sang bảo trợ xã hội thì cũng không có nghĩa Nhà nước đầu tư toàn bộ nguồn lực cho bảo trợ xã hội mà phải tính toán tới yếu tố xã hội hóa.

Qua đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội thể hiện vai trò trách nhiệm xã hội trong hỗ trợ, giảm nghèo. Từ thực tế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lê Thị Nguyệt đề nghị, cần đánh giá vai trò, trách nhiệm của xã hội, các tổ chức xã hội, công tác xã hội hóa trong giảm nghèo bền vững. Các thành viên Ủy ban cũng đề nghị, cần huy động các nguồn vốn khác trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vốn từ doanh nghiệp, ngân sách địa phương, người dân.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ hoàn thiện các tiêu chí xác định chuẩn nghèo cho giai đoạn tới và trình Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

Nhật An