Nhịp cầu

Không chủ quan, bị động

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:14 - Chia sẻ
Dù chỉ mới xuất hiện từ giữa tháng 10.2020 nhưng đến nay dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, Cao Bằng, Thái Bình… làm hàng nghìn con trâu, bò mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Trong khi đó, ở một số địa phương người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa tuân thủ hướng dẫn về chăm sóc trâu bò của cơ quan chuyên môn.

Theo chia sẻ của người chăn nuôi trâu, bò xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), những con trâu, bò đang khỏe mạnh, bỗng chốc xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, trướng bụng, nổi những cục như quả trứng gà, trứng chim trên toàn thân, sau đó ít ngày các cục đó hoại tử và làm trâu bò chết. Chỉ trong thời gian rất ngắn, dịch bệnh VDNC trâu, bò ở Hà Tĩnh đã lây lan làm  hàng ngàn con trâu, bò nhiễm bệnh, hàng nghìn con đã chết phải đi tiêu hủy... Còn tại tỉnh Thanh Hóa, tuy chỉ mới xuất hiện từ đầu tháng 2.2021 nhưng đến nay dịch bệnh đã xảy ra ở 3.911 hộ chăn nuôi tại 919 thôn, 268 xã của 24/27 huyện, xã, thành phố, làm tổng số 5.137 con trâu, bò mắc bệnh. Tính đến ngày 9.5, toàn tỉnh đã có 722 con trâu bò nhiễm bệnh nặng, buộc phải tiêu hủy.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương đã triển khai khẩn cấp các biện pháp khoanh vùng dập dịch, phòng, chống lây lan... Việc tiêm phòng vacine được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi và ngành thú y các tỉnh đều nhận định: bệnh VDNC trâu, bò lây lan nhanh, diễn biến phức tạp do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại làm ở nơi ẩm thấp, ít vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nên virus phát triển và lây lan nhanh. Bên cạnh đó, việc dịch bệnh lan rộng, gây thiệt hại lớn là cái giá của sự chủ quan của nhiều hộ chăn nuôi, thậm chí giấu dịch. Một số nơi, người dân vẫn nuôi nhốt trâu, bò nhiễm bệnh với những con khỏe mạnh, vẫn chăn thả tập trung. Hệ thống thú y cơ sở còn mỏng nên công tác phát hiện và xử lý dịch chưa thực sự hiệu quả...

Các chuyên gia cho rằng, công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh phải được thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các địa phương đang có dịch VDNC cần công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch lây lan, kéo dài. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, hóa chất diệt côn trùng, ruồi, muỗi...; bổ sung dinh dưỡng cho trâu, bò.

Cùng với đó, ngành chức năng cần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm trâu, bò trên địa bàn trong thời gian có dịch. Duy trì các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động trên các tuyến giao thông; ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra vào các xã có dịch. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và diễn biến phức tạp của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức triển khai công tác tiêm phòng cho đàn trâu, bò trong thời gian sớm nhất...

Bách Hợp